“Đó là một trong 10 điểm nhất định phải ghé thăm khi đến Hà Nội của tôi”, Hong Lim, 28 tuổi đến từ Singapore cho biết khi được hỏi về cà phê đường tàu. Đoàn tàu lướt qua ngay bên cạnh tạo cho Lim cảm giác “thích thú trong sợ hãi”.
Phố cà phê đường tàu nằm giáp ranh 3 phường Điện Biên (quận Ba Đình), Cửa Nam, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm). Tháng 10/2019, chính quyền TP Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường sắt, mất an ninh an toàn trong khu vực. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định các hộ dân kinh doanh trên hành lang đường tàu Phùng Hưng không đảm bảo an toàn đường sắt.
Sau đó các hộ dân nộp đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng với mong muốn tiếp tục được kinh doanh kèm theo các giải pháp để vừa có thể đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, vừa phát triển du lịch. Tuy nhiên, chính quyền đã bác đơn. Ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm khi đó cho biết, quận đã xem xét đơn kiến nghị được kinh doanh trở lại của các hộ dân khu vực đường tàu Điện Biên Phủ – Phùng Hưng và lấy ý kiến của ngành giao thông. Theo đó, việc kinh doanh tại khu vực này không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt nên các kiến nghị của người dân không thể thực hiện được.
Từ đó đến nay bảng cấm, rào chắn được dựng ở nhiều nơi, nhưng khu vực cứ vãn rồi đông trở lại, đặc biệt khi lực lượng công an rút đi.
Ngày 24/11, hàng trăm, có thời điểm hàng nghìn du khách đổ về các quán cà phê trong phố check in mỗi khi có chuyến tàu đi qua. Những hộ dân quanh đây tận dụng không gian vỉa hè làm nơi kinh doanh đồ uống và ăn vặt.
Hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha Nguyễn Duy Tuấn, 39 tuổi, cho biết nhiều đoàn khách ngay khi đặt chân đến Hà Nội đã nhờ dẫn đến nơi này nhưng anh từ chối. Tuy nhiên, anh vẫn nhận được tin nhắn khách khoe tự đi cùng hình ảnh họ check in tại phố cà phê đường tàu. “Nơi này rất nổi tiếng với khách quốc tế dù không bao giờ xuất hiện trong lịch trình bán tour”, Tuấn cho biết.
“Đây là một kiểu PR ngược. Càng cấm thì khách càng tới”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt nhận xét.
Giải thích lý do chụp ảnh ở phố đường tàu nguy hiểm nhưng khách vẫn đổ xô tới, ông Mỹ cho rằng cần nhìn nhận lại vấn đề, lỗi không hoàn toàn do khách thích sống ảo. Ngành du lịch đang thiếu các sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách. Nếu có sản phẩm thay thế, khách sẽ chia nhỏ đi các nơi thay vì đổ về một điểm.
“Phố cà phê đường tàu nên tồn tại hay không tồn tại là vấn đề cần giải đáp hiện nay”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt nói. Ông Đạt sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, cách phố cà phê đường tàu một đoạn ngắn. Cách đây 30-40 năm, khu phố gần giống “xóm liều”, quanh cảnh nhếch nhác. Ngày nay, khi phát triển dịch vụ quán cà phê để khách đến check in, khu phố được “lột xác”, tính thẩm mĩ tăng lên rất nhiều.
Theo ông Đạt, phố đường tàu từng xảy ra tai nạn chết người trong giai đoạn ngành đường sắt còn soát vé lên tàu nghiêm ngặt. Nguyên nhân phần lớn do khách đi lậu vé, trốn kiểm tra nên khi tàu giảm tốc để vào sân ga, họ sẽ nhảy tàu ở khu vực này. Hiện nay, với cách kiểm soát vé mới, các trường hợp nhảy tàu không còn, tai nạn rất ít. Từ khi phố cà phê đường tàu trở thành xu hướng trên mạng, tính đến nay nơi này chưa có vụ tai nạn chết người nào vì khách “sống ảo”. Do đó, khách vẫn kéo đến bất chấp lệnh cấm.
Theo quan sát của các chuyên gia và những người làm trong ngành du lịch, phần lớn khách đến phố cà phê đường tàu là khách quốc tế. Họ xem các bức ảnh đăng trên mạng và đổ xô đến khi tới Hà Nội.
Việt Nam đang phát triển du lịch với tốc độ mạnh mẽ. Ngành du lịch Hà Nội cũng tăng trưởng không ngừng, dẫn đầu cả nước về lượng khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm, với 4,95 triệu lượt, tăng 36% so với cùng kỳ 2023. Ngoài các điểm đến văn hóa, khách cũng mong muốn tìm kiếm những thứ khác lạ.
“Khách quốc tế thường thích cái mới, độc đáo và cảm giác mạnh”, ông Đạt lý giải nguyên nhân phố cà phê đường tàu lại hút khách dù bị cấm.
Về vấn đề phố cà phê đường tàu nên tồn tại hay không tồn tại, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch Hà Nội nên biến điểm yếu thành điểm mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê hôm 24/10, mạng lưới đường sắt quốc gia tính đến 2022 có chiều dài hơn 3.100 km.
“Mỗi đoạn đường sắt này ở Hà Nội là hút khách. Tại sao chúng ta không tận dụng và biến thành lợi thế du lịch?”, CEO một công ty lữ hành tại khu vực phố cổ Hà Nội nói.
Nếu xét về an ninh – an toàn, mọi hoạt động ở phố cà phê đường tàu đang vi phạm quy định về an toàn của ngành đường sắt. Nhưng nếu không cấm được, chuyên gia gợi ý nên chuyển sang quản lý, giống như cách Đài Loan đang áp dụng với trải nghiệm thả đèn trời ở đường ray xe lửa tại phố Thập Phần.
Theo ông Đạt, Hà Nội có thể thực hiện nhiều biện pháp thí điểm như công nhận phố đường tàu là một điểm đến du lịch và đưa ra các quy định nghiêm ngặt để quản lý. Những người tham gia kinh doanh ở khu vực này có thể đóng một khoản tiền để trang bị các thiết bị như loa, đèn chiếu sáng cảnh báo du khách khi tàu chuẩn bị chạy đến. Số tiền đó cũng dùng để thuê người nhắc nhở, cảnh báo du khách, nhằm đảm bảo an toàn. Loa phát có thể dùng song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để phục vụ khách quốc tế.
“Chúng ta có thể coi đến phố cà phê đường tàu check in như một môn thể thao mạo hiểm”, theo ông Đạt.
Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho rằng chính quyền, chủ quán, du khách đều có lý riêng. Hà Nội muốn dẹp phố cà phê đường tàu vì đặt an toàn của người dân lên đầu; chủ quán muốn có thêm doanh thu; du khách cần có những trải nghiệm lạ.
Hà Nội cần xem đây là loại hình dịch vụ có điều kiện, thay vì “không quản được thì cấm”. Ai đáp ứng thì cấp phép có thời hạn với những quy định cụ thể và phạt nặng nếu vi phạm. Du khách vi phạm, chủ quán cũng phải liên đới trách nhiệm. Nếu có qui định rõ ràng, chính quyền vẫn có thể quản lý. Cả chủ quán (doanh thu), du khách (trải nghiệm) và nhà nước (thu thuế) cùng có lợi.
“Cuốn sách càng bị cấm, càng có nhiều người đọc. Vấn đề phố cà phê đường tàu cũng vậy”, Chủ tịch du lịch Lửa Việt nói.
T.H (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/pho-ca-phe-duong-tau-nen-thanh-diem-du-lich-399106.html