Cuối tuần vừa qua, khu trang trại trải nghiệm Nam Vũ Farm, xã Liên Mạc (Thanh Hà) đón đoàn khách 40 người gồm cả khách Việt Nam và Đan Mạch.
Chị Lương Thị Cúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Nam Vũ hào hứng giới thiệu về khu trang trại của mình: “Ở đây, quý khách có thể hái ổi ăn tại vườn, thăm mô hình nuôi gà, trải nghiệm lội bùn bắt cá, làm bánh rán, bánh trôi”… Chị cũng giới thiệu về các điểm du lịch nổi tiếng của Hải Dương như khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh), An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương (Kinh Môn), đền Tranh (Ninh Giang)… Các đặc sản trứ danh như bánh đậu xanh, bánh gai, bánh cuốn, chả rươi… “Giới thiệu với du khách, tôi không chỉ là chủ trang trại mà còn có nhiệm vụ lan tỏa các giá trị tốt đẹp của mảnh đất, con người và văn hóa xứ Đông”, chị Cúc cho biết.
Chị Cúc tìm tòi, tạo ra sản phẩm mới từ những nguyên liệu có sẵn trong trang trại, tốt cho sức khỏe như: trà búp ổi, tía tô, lá sen, lá vối… Vận dụng linh hoạt các nền tảng xã hội, chị cùng chồng lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, quay và dựng các đoạn phim hài ngắn quảng bá về các sản phẩm này. Chị chủ động tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. “Việc bán hàng trên các nền tảng xã hội và các hoạt động xúc tiến khiến doanh số vượt xa so với cách bán truyền thống”, chị Cúc nói.
Chị Cúc là hội viên Hiệp hội Du lịch tỉnh hơn 1 năm nay. Từ khi tham gia hiệp hội, chị không chỉ hiểu hơn các quy định của pháp luật về hoạt động du lịch, học hỏi nhiều cách làm hay mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên cho sự phát triển chung ngành du lịch của tỉnh.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, chủ nhà hàng Tuấn Rươi ở phố Trương Hán Siêu (TP Hải Dương) hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh. Anh cho rằng ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Rươi Hải Dương đã tạo được vị thế trong lòng du khách nhưng một cá nhân không làm nên thương hiệu.
Mỗi lần đón khách, anh không chỉ giới thiệu về nhà hàng của mình mà đều quảng bá về con rươi – đặc sản trời cho mảnh đất Hải Dương. “Món ngon không chỉ nằm ở công thức chế biến, nó còn được quyết định bởi vùng nguyên liệu. Chỉ có nguồn nước, chất đất phù sa ở Hải Dương mới cho con rươi giàu giá trị dinh dưỡng, thơm ngon không ở đâu sánh bằng”, anh Tuấn nói.
Trong các câu chuyện, anh luôn nhắc tới “rươi Hải Dương” bởi có nhiều vùng khai thác rươi như Tứ Kỳ, Kinh Môn, Thanh Hà. “Điều quan trọng là khi đem thương hiệu rươi tỉnh Hải Dương khoe với du khách tỉnh bạn, họ nhận diện tốt hơn khi nói tới 1 cá nhân, 1 xã hay 1 huyện”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên, đưa du khách về các vùng rươi của Hải Dương để tham quan, trải nghiệm và tận mắt chứng kiến quá trình khai thác rươi kết hợp trồng lúa hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…
Tỉ mỉ trong thay đổi phong cách phục vụ, trang phục của nhân viên hay mỗi góc check-in… đã khiến nhà hàng của anh trở thành điểm đến của nhiều người nổi tiếng và du khách.
Ông Nguyễn Minh Xô, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết hiệp hội hiện có 294 hội viên. Các hội viên ở đa ngành nghề, lĩnh vực như chủ doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn; chủ các điểm, khu du lịch; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; một số lĩnh vực kinh doanh, hỗ trợ du lịch… Mỗi hội viên đều là thành viên tích cực, trách nhiệm, nhiệt tình, có đóng góp cho hoạt động của hiệp hội nói riêng, ngành du lịch của tỉnh nói chung.
PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/nhung-dai-su-du-lich-hai-duong-398576.html