“Chơi lớn”
Ông trùm buôn nông sản mà tôi muốn kể ở đây là anh Hồ Việt Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Nam Phát ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương). Tôi biết anh qua lời giới thiệu của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Thị Kiểm: “Hoàn là một thương nhân lớn trong lĩnh vực nông sản với số lượng hàng hoá rất khủng. Gần như ngày nào cơ sở của cậu ấy cũng xuất đi hàng chục xe container”.
Trụ sở của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cũng chính là nhà riêng của anh Hoàn nằm gần trung tâm xã Gia Xuyên. Phía trước cửa nhà, những chiếc xe container nối đuôi nhau xếp thành hàng dài.
Cà rốt, cải bắp, su lơ trắng… đóng gói thành từng kiện lớn, được xe nâng hạ đưa lên thùng container. Thỉnh thoảng những chiếc xe tải từ 2-15 tấn lại chở hàng từ các nơi về tập hợp tại đây.
Khác với suy đoán của tôi về một ông trùm đã luống tuổi, anh Hoàn năm nay mới tròn 40. Anh niềm nở, nhiệt tình tiếp đón và dẫn tôi đi thăm cơ sở của gia đình. Tại khu chế xuất, hàng chục lao động đang làm việc hăng say. Họ thoăn thoắt sàng lọc, nhặt bỏ những lá rau cải bắp, su lơ bên ngoài không đạt yêu cầu, dán tem, đóng gói.
Ở một góc của nhà kho, mấy chị đứng thành hàng nhịp nhàng chuyền tay nhau những quả dưa hấu từ dưới đất lên thùng xe tải. Phía xa trong khu chế xuất, một nhóm lao động đang miệt mài phân loại khoai tây trên dây chuyền…
Cả một khu chế xuất rộng 3.000 m2 cơ man là rau, củ, quả. “Cơ sở hoạt động quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào mùa này, tôi phải huy động khoảng 250 lao động mới giải quyết được khối lượng công việc đặt ra”, anh Hoàn thông tin.
Tôi vào thăm kho lạnh của hợp tác xã. Trong không gian rộng chừng 2.000 m2, những kiện hàng cà rốt, khoai tây… đã được đóng gói kỹ càng chất cao tận nóc. Cái kho này có vai trò quan trọng trong điều phối hàng hoá, bảo đảm không bị gián đoạn cung cấp cho đối tác.
Tôi giật mình khi nghe anh Hoàn kể mỗi ngày Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cung cấp ra thị trường trung bình từ 350-400 tấn rau, củ, quả. Có lẽ ở Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận không có nhiều thương nhân kinh doanh nông sản “khủng” như anh.
Lượng nông sản trên đang được hợp tác xã phân phối theo 4 “mũi nhọn”: khoảng 60% số lượng hàng xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…; 30% cung cấp cho hệ thống các đại siêu thị như AEON, LotteMart, WinMart và các chợ đầu mối khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam; 10% còn lại cung cấp cho các bếp ăn khu công nghiệp, trường học.
Tôi khen anh Hoàn giỏi giang, trẻ tuổi mà đã làm ăn hơn người. Anh xua tay, khiêm tốn đáp: “Thiên hạ còn nhiều người tài giỏi hơn. Hợp tác xã có được cơ đồ như hôm nay phần nhiều do bố mẹ gây dựng, tôi chỉ là người phát triển. Trước khi theo nghề này, tôi từng sang trời Tây bươn chải với ước mơ làm giàu nhưng thất bại. Về lại quê hương mới thấy có rất nhiều cơ hội xung quanh mình, chẳng cần đi đâu xa song phải thực sự mạnh dạn, quyết tâm”.
Anh Hoàn nhận mình là “con nhà nông chính tông”. Trước đây, bố mẹ anh làm nông nghiệp để nuôi các con. Anh Hoàn là con cả nên thường phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Từ năm 1994, gia đình anh bắt đầu thu mua nông sản của bà con ở địa phương để cung cấp cho các chợ đầu mối. Kinh tế khá dần, bố mẹ muốn anh đi học để sau này không phải vất vả.
Năm 2005, anh Hoàn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Anh trụ lại ở thủ đô với công việc của một kỹ sư cầu đường. Thu nhập cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng chi phí ăn ở, đi lại đắt đỏ nên cũng chẳng tích luỹ được gì. Có tháng, bố mẹ còn phải gửi tiền lên cho anh để trang trải cuộc sống.
Khát vọng làm giàu đã thôi thúc anh nghỉ việc về nhà xin bố mẹ được đi xuất khẩu lao động sang nước Anh vào năm 2008. Nhưng “xứ sở sương mù” cách quê nhà hơn 10.000 km chẳng như những gì đơn vị môi giới hứa hẹn. Ở nơi xứ người, công việc thất thường, thu nhập gần như chỉ đủ để anh chi phí cho cuộc sống. Sau gần 1 năm, anh Hoàn ngậm ngùi về nước.
“Lúc đó anh nghĩ gì?”, tôi hỏi. Anh Hoàn đáp: “Tôi nghĩ vẫn phải làm cái gì đó chứ không đầu hàng. Tôi suy tính nhiều thứ lắm, còn dự định mở nhà hàng ăn uống. Một hôm tôi chợt nhận ra bao năm nay cơ sở thu mua nông sản của gia đình vẫn hoạt động hiệu quả. Thế là tôi đề đạt nguyện vọng lên bố mẹ để được tiếp nối nghề này”.
Bố mẹ anh Hoàn ngày càng nhiều tuổi, rồi cũng sẽ đến lúc phải “nghỉ hưu”. Vậy nên họ đã đồng ý cầm tay chỉ việc cho con trai. Năm 2011, gia đình anh vẫn chủ yếu thu mua nông sản của nông dân ở huyện Gia Lộc cung cấp cho các chợ đầu mối với sản lượng khoảng 4.000-5.000 tấn/năm.
Là người nhanh nhẹn nên anh Hoàn sớm tích luỹ được kinh nghiệm quản lý. Anh dày công nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác và dần mở rộng vùng thu mua nông sản ra tỉnh ngoài. Năm 2013, lượng hàng hoá mua bán, phân phối của gia đình anh lần đầu chạm ngưỡng 150 tấn/ngày.
Công việc ngày càng thuận lợi khi anh Hoàn dần hình thành được mối quan hệ gắn bó với một số đối tác lớn. “Tôi bắt đầu trăn trở làm sao phải đưa nông sản của quê hương sang nhiều nước để nâng tầm giá trị và khuyến khích sản xuất. Tôi chính thức bước vào cuộc chơi lớn từ thời điểm đó. Năm 2015, những chuyến hàng nông sản đầu tiên của gia đình tôi đã đến với thị trường Đài Loan, Malaysia, mở ra một chương mới trong chiến lược kinh doanh”, anh Hoàn chia sẻ.
Năm 2019, Hợp tác xã Hoàng Nam Phát thành lập do anh Hoàn làm giám đốc. Bố mẹ anh lúc này đã lui về “hậu trường” nhưng luôn tin tưởng vào khả năng điều hành của con trai. Từ năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu gây ra những ảnh hưởng xấu nhưng anh Hoàn vẫn chèo lái duy trì hợp tác xã hoạt động ổn định, mỗi ngày xuất xưởng bình quân 300 tấn hàng. Từ sau khi cuộc sống trở lại bình thường đến nay, sản lượng liên tục tăng.
Tâm huyết
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng lại bị gián đoạn vì điện thoại của anh Hoàn cứ chốc lại đổ chuông. Anh phân trần: “Một số cuộc gọi đến từ các chủ cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ngoài mà tôi chưa từng gặp. Họ mong muốn được liên kết với hợp tác xã để có đầu ra ổn định, bền vững”.
Anh Hoàn cho biết hiện hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng trồng, bao tiêu rau màu, cây ăn quả với một số đơn vị hợp tác xã và khoảng 140 hộ dân ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn La, Điện Biên và Hải Phòng. Tất cả những đơn vị, hộ dân này đều đang có cánh đồng rộng từ 1-100 ha/hộ.
Nguyên tắc mà anh Hoàn đặt ra cho các đối tác là phải cam kết thực hiện nghiêm việc làm đất, sử dụng giống, trồng, chăm sóc các loại rau màu, cây ăn quả theo đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP đã được hợp tác xã tập huấn, hướng dẫn. Đổi lại, hợp tác xã thu mua đúng giá đã ký kết với các hộ từ đầu vụ, bảo đảm nếu xảy ra tình trạng “cung vượt cầu” thì nông dân vẫn có lãi.
Mở rộng, thực hiện nghiêm túc việc liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu giúp Hợp tác xã Hoàng Nam Phát làm chủ “cuộc chơi” vì luôn bảo đảm lượng hàng hoá phục vụ thị trường liên tục, không chịu phụ thuộc bởi yếu tố mùa vụ tại một địa phương nhất định. Việc này còn tạo công việc, thu nhập ổn định, giúp nông dân tự tin, làm ra sản phẩm hàng hoá bằng cái tâm vì cộng đồng mà không còn lo tình trạng “được mùa mất giá”.
Điều quan trọng nữa là nông sản tạo ra luôn đạt được các tiêu chí mẫu mã đẹp, chất lượng, an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng, phù hợp với chiến lược xuất khẩu của hợp tác xã, rộng hơn là góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững, đa tầng, đa giá trị.
Anh Hoàn cho rằng sản xuất, kinh doanh nông sản cũng là một “cuộc chơi” khắc nghiệt, tiềm ẩn đầy rủi ro. Không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã phá sản. Hợp tác xã Hoàng Nam Phát làm ăn được như hôm nay cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tâm huyết, uy tín, cam kết trách nhiệm với chính nông dân và người tiêu dùng đã giúp đơn vị hoạt động hiệu quả, bền vững.
“Các đối tác khách hàng của hợp tác xã từ các nước nhiều lần trực tiếp sang thăm vùng nguyên liệu, khu chế xuất của hợp tác xã. Họ rất hài lòng, tin tưởng và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác”, anh Hoàn cho hay.
Được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, Hợp tác xã Hoàng Nam Phát hiện đã có 8 sản phẩm được gắn sao OCOP như cải bắp, cà rốt, dưa hấu, chuối… Những mặt hàng này đã và đang bán ra thị trường nhiều nước, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh nông sản của Việt Nam.
Dự kiến hợp tác xã sẽ sớm xây dựng thêm một khu chế xuất rộng khoảng 20.000 m2 và mở rộng liên kết ra các tỉnh. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn khi sản lượng hiện tại của hợp tác xã mới đang đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của các đối tác nước ngoài.
Hải Dương đã triển khai kế hoạch và đề ra mục tiêu đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại vào năm 2050. Tập trung phát triển sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mô hình hoạt động của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cần được khuyến khích, tạo điều kiện nhân rộng.
TIẾN MẠNH
Nguồn: https://baohaiduong.vn/that-bai-o-xu-so-suong-mu-ve-que-thanh-trum-buon-nong-san-398445.html