Tin mới y tế ngày 13/11: Hà Nội phát hiện nhiều vi phạm an toàn thực phẩm
Thời gian qua cơ quan chức năng của Hà Nội liên tục phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm và đã có các biện pháp xử lý.
Hà Nội phát hiện nhiều vi phạm an toàn thực phẩm
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một siêu thị. |
Vào thời điểm này, cơ quan chức năng của thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở Bò nhúng dấm 555 (có địa chỉ tại 138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trước vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh Bò nhúng dấm 555 với số tiền 12,5 triệu đồng.
Tương tự, tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (có địa chỉ ở số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa – Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước (gồm: Kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu; kiểm tra trong quá trình chế biến và trước khi sử dụng).
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở này thực hiện không đúng quy định về việc lưu mẫu thức ăn. Với những lỗi vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt cơ sở 16 triệu đồng.
Trước tình trạng buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm, chỉ trong 1 tuần qua, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã ra quân thanh tra, kiểm tra và phát hiện, thu giữ gần 70.000 lọ nước yến chưng không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Việc lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện bắt giữ một lượng lớn thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Phòng khám bị phạt hơn 100 triệu đồng vì moi tiền bệnh nhân
Phòng khám Đa khoa Tháng Tám và Phòng khám Y học Sài Gòn mỗi nơi bị phạt hơn 100 triệu đồng, sau khi hù dọa bệnh nhân trên bàn phá thai.
Cụ thể, Phòng khám đa khoa Tháng Tám, địa chỉ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3, bị phạt 106 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong 4 tháng, theo quyết định xử phạt do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 12/11.
Nơi này được Sở Y tế xác định cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn đã cấp phép, lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định. Một điều dưỡng tại đây bị phạt 35 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong 23 tháng do khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn.
Trước đó, người phụ nữ mang thai 18 tuần đến phòng khám này, được cho uống hai viên thuốc “trục thai” không rõ loại, hôm sau tiêm thuốc và lấy thai, giá 10 triệu đồng.
Trong lúc khám, bác sỹ báo thai lớn nên là ca khó, cần phải dùng dịch vụ “gói không đau” và yêu cầu chuyển thêm 65 triệu đồng. Vì không đủ tiền, người nhà bệnh nhân gọi điện thoại đến Sở Y tế cầu cứu, được lực lượng chức năng đến giải cứu, đưa sang Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu, ngày 29/10.
Với lỗi vi phạm tương tự, Phòng khám Y học Sài Gòn, địa chỉ ở Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5, bị phạt 109 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong 4 tháng. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của nơi này còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong hai tháng.
Trước đó, một phụ nữ 32 tuổi, mang thai 10 tuần, đến khám tại đây được chỉ định uống thuốc phá thai nội khoa, song hồ sơ bệnh án ghi “dưỡng thai với thuốc Obimin”.
Sau hai ngày, bệnh nhân tái khám, được chỉ định hút thai nhưng cơ sở không ghi chép hồ sơ bệnh án cũng như không ký cam kết trước. Trên bàn thủ thuật, các nhân viên buộc bệnh nhân đóng thêm 17 triệu đồng “nếu không sẽ rất đau”. Người nhà bệnh nhân gọi điện đến Sở Y tế cầu cứu hôm 24/10, cung cấp chứng cứ cuộc trao đổi “vẽ bệnh”.
Tháng 9 năm ngoái, phòng khám này bị xử phạt 202 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4 tháng vì “vẽ bệnh, moi tiền”, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn ghi trong giấy phép.
Khi đó, người phụ nữ 37 tuổi cũng thống nhất gói phá thai hai triệu đồng, trong khi làm thủ thuật bị bác sỹ nơi đây yêu cầu trả 29 triệu đồng mới làm tiếp, “nếu không sẽ chảy máu nhiều và rất đau”.
Sở Y tế khuyến cáo người dân khi khám chữa bệnh, tra cứu vào trang tracuu.khambenh.gov.vn để biết các kỹ thuật mà phòng khám đã được phê duyệt, biết được bác sỹ hành nghề tại phòng khám.
Khi nghi ngờ phòng khám hoạt động không phép, bác sỹ hành nghề quá phạm vi cho phép, gọi đường dây nóng 0989401155 hoặc phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế kịp thời nắm bắt thông tin, kiểm tra đột xuất.
Nhập viện cấp cứu vì dị ứng với hải sản
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi (trú tại Hải Dương) nhập viện vì nổi ban dị ứng toàn thân sau khi ăn con cù kỳ.
Theo gia đình chia sẻ, sau khi ăn con cù kỳ khoảng vài tiếng, cháu thấy ngứa khắp người và ban đỏ toàn thân. Gia đình cho cháu uống thuốc dị ứng nhưng triệu chứng càng lúc càng nặng nên đã đưa bệnh nhi vào viện.
Được biết, trước đó bệnh nhi chưa có tiền sử dị ứng. Bệnh nhi vào khoa Nhi trong tình trạng sốt nhẹ, ban sẩn đỏ toàn thân, ngứa nhiều. Các bác sỹ đã khám, chẩn đoán phản vệ độ I và xử trí theo phác đồ. Sau điều trị, tình trạng của bệnh nhi dần ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nhi.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, trong trường hợp dị ứng nhẹ, trẻ cảm thấy ngứa, triệu chứng tự biến mất sau vài giờ mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, dị ứng hải sản nặng có thể gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Những triệu chứng này nguy hiểm đến tính mạng cần được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng thường diễn biến trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn.
Sau khi tiếp xúc với dị nguyên hay đồ ăn lạ, nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện như nổi mẩn ngứa, phát ban, sưng môi, sưng mặt, khó thở, tức ngực, thở nhanh, tím tái, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt… phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh các diễn biến nặng hơn của bệnh.
Để phòng tránh dị ứng hải sản ở trẻ em, khi phụ huynh cho con ăn các loại hải sản lạ nên thử từng ít một; bắt đầu bằng một lượng nhỏ, sau đó ăn tăng dần.
Gia đình không nên ăn hải sản tại các cửa hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại hải sản lạ không rõ nguồn gốc. Bởi một số người phản ứng ngay cả khi họ hít phải hơi nước hoặc hơi nấu từ hải sản có vỏ.
Việc lây nhiễm chéo cũng có thể xuất hiện trong các cơ sở phục vụ đồ hải sản. Mọi người chú ý đọc nhãn thực phẩm cẩn thận vì một số loại thực phẩm có chứa thành phần được ghi không cụ thể như “hương vị hải sản”, “nguồn từ cá”…