Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2024) đã để lại nhiều bài học quý giá về việc tập hợp lực lượng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và những bài học đó vẫn có giá trị ứng dụng trong các phong trào cách mạng hiện nay.
Sự đoàn kết giữa các tầng lớp
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi nhờ vào sự đoàn kết giữa các tầng lớp lao động, đặc biệt là công nhân và nông dân. Đảng Bolshevik, dưới sự lãnh đạo của Lênin đã nhận thức rõ ràng về vai trò của các lực lượng này trong cuộc cách mạng và Đảng đã thành công trong việc kết hợp lợi ích của 2 giai cấp.
Với công nhân, Lênin và Đảng Bolshevik đã kêu gọi công nhân ở các thành phố, đặc biệt là ở Petrograd và Moscow, đứng lên chống lại chế độ Sa hoàng và chế độ tư bản, đồng thời chiếm lấy chính quyền, cũng là bảo vệ quyền làm chủ của mình. Công nhân là lực lượng tiên phong trong các cuộc biểu tình, đình công và những cuộc chiến đấu vũ trang trong các cuộc cách mạng ở các thành phố.
Lực lượng nông dân cũng đóng vai trò then chốt trong Cách mạng Tháng Mười Nga. Để tập hợp nông dân, Đảng Bol-shevik đã đưa ra các khẩu hiệu về cải cách ruộng đất, tịch thu tài sản của địa chủ và trao đất cho nông dân. Chính sách này đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi từ các tầng lớp nông dân nghèo và trung nông.
Đảng Bolshevik không chỉ chú trọng tập hợp lực lượng ở giai cấp vô sản mà còn có sự liên minh chiến lược với các lực lượng tiến bộ khác. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Bolshevik đã xây dựng mối quan hệ với các đảng phái chính trị như Đảng Menshevik, Đảng Xã hội cách mạng và các nhóm trí thức tiến bộ.
Đảng Bolshevik cũng đã khéo léo tập hợp các lực lượng trong xã hội dưới một mục tiêu chung là lật đổ chế độ Sa hoàng, xóa bỏ áp bức, bất công và xây dựng một xã hội công bằng. Đặc biệt, mối liên hệ với các nhóm trí thức và những đảng phái cách mạng nhỏ đã giúp Đảng Bolshevik phát triển ảnh hưởng và sự ủng hộ rộng rãi trong các tầng lớp xã hội.
Vận dụng phù hợp
Cách mạng Việt Nam đã và đang vận dụng nhiều bài học quý từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong giai đoạn hiện nay, bài học về tập hợp các lực lượng, thành phần là yếu tố then chốt để xây dựng sức mạnh cho cách mạng, nhất là kết hợp và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp lao động trong xã hội.
Đặc biệt, đại đoàn kết toàn dân tộc, vấn đề được xác định là đường lối chiến lược của Đảng ta, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ, đã được khái quát thành luận điểm “phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” như tên một cuốn sách quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, bài học về năng lực lãnh đạo và tổ chức của Đảng, đặc biệt là sự chuẩn bị về mặt nhân sự và chiến lược, là yếu tố quyết định để một cuộc cách mạng có thể thành công. Việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có kỷ luật và biết phát huy sức mạnh của các lực lượng trong xã hội là bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Trong đó, vai trò tiên phong, gương mẫu, năng lực của đảng viên, nhất là người đứng đầu rất quan trọng, để có thể lãnh đạo, thuyết phục, động viên mọi người cùng hành động.
Cách mạng Tháng Mười Nga hay bất kỳ cuộc cách mạng nào, yếu tố đoàn kết, tập hợp rộng rãi các lực lượng luôn có vai trò rất quan trọng để cách mạng có thể thành công. Hiện nay, trong bối cảnh nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những bài học này vẫn có giá trị sâu sắc và cần được vận dụng phù hợp để có thể hoàn thành các mục tiêu mà Đảng đã đề ra.
Quyết sách đúng đắn
Dưới sự lãnh đạo của Lênin, Đảng Bolshevik đã có những chiến lược và hành động hợp lý để tập hợp lực lượng và giành chính quyền. Đảng đã xây dựng thành một tổ chức chặt chẽ, kỷ luật cao và có khả năng vận hành một cách hiệu quả trong tình hình khó khăn. Đặc biệt, lãnh tụ Lênin là người có tầm nhìn xa trong việc tổ chức và chỉ đạo cách mạng. Sự lãnh đạo của Lênin giúp Đảng Bolshevik phát huy sức mạnh của các lực lượng công nhân, nông dân và trí thức, đồng thời đưa ra các quyết sách đúng đắn trong từng thời điểm quan trọng.
Bên cạnh đó, Đảng Bolshevik đã tổ chức lực lượng cách mạng một cách khoa học, từ các tổ chức của công nhân đến những đội quân vũ trang, bảo đảm một sự điều phối chặt chẽ và quyết đoán trong các cuộc chiến đấu và giành chính quyền. Các lực lượng vũ trang Bolshevik đã chiến đấu quyết liệt trong những cuộc nổi dậy và chiến đấu chống 14 nước đế quốc sau đó.
T.H (tổng hợp)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/cach-mang-thang-muoi-nga-vang-mai-bai-hoc-quy-397443.html