Hà Nội là điểm đến sở hữu nhiều di sản văn hóa ấn tượng. Nơi đây còn là điểm đến hội tụ nhiều công trình kiến trúc tôn giáo thu hút các tín đồ du lịch gần xa ghé thăm. Một trong những công trình kiến trúc tâm linh nổi tiếng phải kế đến là chùa Khai Nguyên.
Với quy mô bề thế và bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á, chùa Khai Nguyên thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách gần xa. Chùa trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội hấp dẫn, mang đến cho khách hành hương, vãn cảnh nhiều trải nghiệm khó quên.
Lịch sử chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên trước đây là Cổ Liêu Tự và có tên thường gọi là chùa Cheo, tọa lạc tại thôn Tây Ninh, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Tương truyền chùa có từ thời nhà Lý, khoảng nửa đầu thế kỷ 14. Ban đầu, chùa chỉ là một ngôi am nhỏ được người dân xây dựng để thờ Phật.
Vào năm 1759, thừa lệnh Lý Trưởng Phùng Cương Đỉnh đã cho người dân và Phật tử tu sửa lại chùa và đúc đại hồng chung để thờ tự. Nhờ sự quan tâm của Lý trưởng họ Phùng, người dân đã đóng góp tiền và đất để mở rộng khuôn viên xây dựng chùa. Toàn bộ khuôn viên của chùa lúc bấy giờ lên đến khoảng 10ha. Tuy nhiên, vào thời Hậu Lê, vì vị trí không thuận lợi, chùa đã dần xuống cấp và trở thành một phế tích trong nhiều năm.
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chùa Khai Nguyên đã bị hư hại nặng nề.
Tới năm 2006, chùa Khai Nguyên đã trải qua hơn 10 năm kiến thiết với nhiều hạng mục công trình đã được hoàn thiện như ngôi Đại hùng bảo điện, tháp Báo Ân, nhà khách, vãng sinh đường, thư viện, chùa Một Cột… Đồng thời, một số công trình đang trong quá trình thi công như cổng tam quan, đại tượng Phật A Di Đà, nhà đa năng…
Chùa Khai Nguyên có gì?
Chùa Khai Nguyên hiện tại mang lối kiến trúc kim-cổ giao hòa. Đó là kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc,” các gian thờ đã được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ.” Phía cuối chùa là tăng đường cùng tả vu, hữu vu, Tháp Báo Ấn, gác chuông, gác trống…
Ngoài ra, phía trước chùa có một hồ nước lớn hình chữ nhật. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng lại hình dáng của chùa Một Cột. Tại đây có gian thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát và lưu giữ bộ kinh Địa Tạng quý, thu hút sự chú ý của các tín đồ Phật giáo.
Đại tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á
Điểm nhấn đặc sắc của chùa Khai Nguyên còn đến từ bức tượng Phật A Di Đà. Đây là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao 70m và đường kính bệ tượng lên đến 1.200m2. Việc xây dựng bức tượng này được khởi công từ năm 2015.
Bức tượng có kết cấu vững chắc và được tạo tác tinh xảo với hình ảnh đức Phật A Di Đà uy nghiêm trong tư thế kiết già, truyền tải vẻ từ bi và trí huệ. Trên tay trái của Ngài là một đóa sen hồng chớm nở, trong khi tay phải được đặt ở tư thế Giáo hóa thủ ấn.
Hai lòng bàn tay của đức Phật được trang trí bằng hình bánh xe Pháp luân đắp nổi, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Phần đế của bức tượng là đóa sen khổng lồ, với 3 lớp và 56 cánh hoa. Tất cả các chi tiết tạo nên bức đại tượng độc đáo, thể hiện nét đẹp đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Theo lời của trụ trì chùa Khai Nguyên Đại đức Thích Đạo Thịnh, bức tượng được xây dựng với ý nghĩa truyền tải thông điệp “Vì hòa bình thế giới,” mong muốn sự an lành và thịnh vượng cho đất nước, nhân dân và sự phát triển của Phật pháp.
Dưới tầng ngầm của pho tượng là khu vực được thiết kế mô phỏng 18 tầng địa ngục, nhằm truyền tải ý nghĩa sâu sắc của khái niệm luân hồi, quy luật nhân quả trong đạo Phật.
Hệ thống tượng Phật giá trị, đồ sộ
Ngoài bức đại tượng, chùa Khai Nguyên còn là nơi thờ tự hệ thống tượng Phật giá trị, đồ sộ. Trong đó có nhiều bức tượng được làm bằng chất liệu quý như: đồng, ngọc bích…
Trong gian Tam bảo, hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị lịch sử lâu đời như hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1816), cùng với một quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Những di vật này là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của chùa Khai Nguyên.
Giếng Rồng
Truyền thuyết về Giếng Rồng gắn liền với tiền thiêng của chùa Khai Nguyên. Trong quá khứ, khi một đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra với người dân trong vùng, trụ trì thắp hương xin thần linh chỉ cho chỗ đào giếng. Và trong đêm, vị trụ trì được chư Thần báo mộng nơi đào giếng, quả nhiên chỉ sau khi đào sâu 3 mét làn nước trong xanh đã phun ra và từ đó trở đi không bao giờ cạn ngay cả trong mùa khô.
Hằng năm, vào mùa Xuân, du khách tham gia lễ hội đều xin nước về tẩy trần nhà như một mong muốn của sự may mắn.
Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tham quan Suối Quan Âm và khu Nội Viện, cũng như hang Địa Ngục, nơi tái hiện con đường dẫn đến địa ngục theo kinh Phật Tịnh Độ Độ Tông và đã khiến cho mỗi du khách suy ngẫm về lương tâm và đạo đức của mình.
Những hoạt động nổi bật tại chùa
Trong những năm gần đây, chùa Khai Nguyên đã trở thành điểm đến quen thuộc của đông đảo Phật tử. Khi đến chùa khai Nguyên vào những dịp lễ, tết, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tráng lệ, lung linh nhưng vẫn toát lên nét thanh bình.
Mỗi năm chùa Khai Nguyên sẽ tổ chức nhiều lễ hội có ý nghĩa khác nhau như pháp hội Quan Âm, Đại lễ Phật đản, lễ Vu Lan Báo Hiếu…thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách đến đây để cầu bình an, sức khỏe tài lộc cho bản thân.
Ngoài ra vào khoảng thời gian mùa Hè, du khách có thể tham gia các khóa tu kéo dài 1 tháng với sự góp mặt đông đảo các tăng ni phật tử, học sinh sinh viên trên khắp cả nước.
Những khóa học này không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức Phật pháp, mà còn gắn kết với các hoạt động nhân đạo như hiến máu, thiện nguyện. Thông qua đó, giới trẻ sẽ có cơ hội nuôi dưỡng lòng nhân ái, hoàn thiện bản thân và có sự kết nối hơn với cộng đồng, thiên nhiên.
HQ (theo TTXVN)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tham-chua-khai-nguyen-noi-co-buc-tuong-phat-a-di-da-lon-nhat-dong-nam-a-397001.html