Thêm những bờ vui
Xác định “giao thông đi trước mở đường”, những năm qua Hải Dương luôn quan tâm phát triển hạ tầng giao thông rộng khắp, tạo sự kết nối liên vùng. Trong đó nhiều cây cầu bắc qua sông được nghiên cứu đầu tư để rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh.
Trên dự án đường trục Đông-Tây Hải Dương đang khẩn trương hoàn thiện có tới 6 cây cầu kết nối, gồm 4 cây cầu được nâng cấp, mở rộng và 2 cây cầu xây mới. Trong đó cầu Bắc Hưng Hải nối xã Hà Kỳ và Phượng Kỳ của huyện Tứ Kỳ có quy mô đầu tư lớn với chi phí xây lắp gần 200 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, phương tiện, khẩn trương hoàn thiện để đưa cầu Bắc Hưng Hải vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Đơn vị thi công cho biết đến ngày 8/10, cầu Bắc Hưng Hải đã thi công xong toàn bộ 6 trụ, mố M2, đúc xong toàn bộ dầm SuperT, đã lao lắp xong 3/4 nhịp, đúc hẫng xong toàn bộ 3 nhịp. Ước khối lượng thi công cầu đạt khoảng 90%, dự kiến hoàn thành thi công vào ngày 30/10/2024.
Ông Tấn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết trước đây nhân dân xã Phượng Kỳ và Hà Kỳ qua sông bằng cầu phao Mũ. Tuy nhiên cây cầu chắp vá, xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. “Khi cầu Bắc Hưng Hải hoàn thành, đường trục Đông-Tây thông suốt sẽ rút ngắn thời gian đi lại, di chuyển của người dân tới các khu vực lân cận. Khi thông thương thuận lợi sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương”, ông Duẩn nói.
Cũng là cây cầu nằm trong dự án đường trục Đông – Tây tỉnh, cầu Phí Xá nối xã Lê Hồng và Tứ Cường (Thanh Miện) qua sông Cửu An. Cầu có chiều dài 154 m, bề rộng 12 m; tổng giá trị xây lắp khoảng 48 tỷ đồng. Hiện nay cầu Phí Xá đã cơ bản hoàn thành. Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng (Thanh Miện) cho biết, trước đây để đi từ Lê Hồng sang Tứ Cường nhân dân chỉ có con đường vòng qua thị trấn Thanh Miện rồi qua cầu Neo với quãng đường khoảng 12 km. Khi cầu Phí Xá hoàn thành, khoảng cách giữa 2 địa phương chỉ vài trăm mét. Không chỉ tạo thuận lợi trong giao thông, giao thương giữa 2 địa phương, cây cầu còn góp phần tạo ra hệ thống giao thông xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối giữa Hải Dương với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Bà con nhân dân xã Lê Hồng rất phấn khởi, mong từng ngày cây cầu được thông xe.
Sau hơn 6 tháng thực hiện, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cậy thuộc tuyến tránh đường 394 đã đạt khoảng trên 45% khối lượng. Trên công trường thi công cầu Cậy thuộc địa phận huyện Bình Giang lúc nào cũng nhộn nhịp, hối hả với hàng chục kỹ sư, công nhân thi công nhiều hạng mục.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình quy mô đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Chiều dài toàn cầu là 182m với 4 nhịp được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 30 m, chia làm 2 đơn nguyên cầu riêng biệt; tổng giá trị xây lắp gần 140 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10, đơn vị thi công đã khoan xong toàn bộ 12 cọc mố M1, đúc xong toàn bộ 48 dầm Supper T, xong 32 cọc khoan nhồi của 2 trụ dưới sông, bảo đảm tiến độ đề ra. Công trình cầu Cậy nối xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) và xã Hùng Thắng (Bình Giang) dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025.
Quan tâm đầu tư
Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều cây cầu vượt sông kết nối đôi bờ, tạo ra hạ tầng giao thông đồng bộ, xuyên suốt. Cầu Tân An và đường dẫn có điểm đầu giao với quốc lộ 18 thuộc địa phận phường Văn An (Chí Linh), điểm cuối kết nối với Dự án Đầu tư mở rộng đường dẫn đầu cầu Hàn, đoạn từ đầu cầu Hàn (phía huyện Nam Sách) đến nút giao đường tỉnh 390 và xây dựng tuyến mới nối nút giao đường tỉnh 390 đến quốc lộ 18 do UBND huyện Nam Sách làm chủ đầu tư.
Trong giai đoạn 2023-2025, cầu Tân An sẽ được xây dựng. Cầu dài 574,6m, chiều rộng 12 m. Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối quốc lộ 18 (TP Chí Linh) có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Việc đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối quốc lộ 18 nhằm từng bước hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng, nối quốc lộ 5 với quốc lộ 18 từ TP Hải Dương qua cầu Hàn, qua địa bàn huyện Nam Sách đến TP Chí Linh. Khi cầu được đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt với tuyến quốc 37, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực theo quy hoạch, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội TP Chí Linh, huyện Nam Sách.
Anh Lê Đức Bôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến (Nam Sách) cho biết nhân dân trong thôn rất phấn khởi vì cầu Tân An sắp được xây dựng. Khi địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án, bà con nhân dân đều đồng tình ủng hộ. Hy vọng cây cầu sớm được hoàn thành để phục vụ nhu cầu đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu Vạn kết nối quốc lộ 37 (Chí Linh) với đường dẫn cầu Triều (Kinh Môn) là một trong những dự án xây cầu nội tỉnh có số vốn đầu tư “khủng” nhất hiện nay. Cầu có chiều dài tuyến 12,97 km, tổng mức đầu tư hơn 1.296 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, cầu Vạn được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều rộng 12m, chiều dài khoảng 919m… Cầu gồm 2 đơn nguyên, trong đó giai đoạn 2021-2025 xây dựng 1 đơn nguyên, giai đoạn 2026-2030 xây dựng đơn nguyên còn lại.
Tuyến đường và cầu Vạn kết nối quốc lộ 37, TP Chí Linh với đường dẫn cầu Triều, thị xã Kinh Môn sẽ tạo thành trục giao thông kết nối đô thị Kinh Môn và Chí Linh, kết nối liên thông quốc lộ 37 với các đường tỉnh 389, 389B hiện có và các tuyến đường quy hoạch (đường vành đai V – vùng Thủ đô – trục Bắc – Nam tỉnh Hải Dương). Từ đó hình thành tuyến giao thông kết nối các vùng huyện phía đông bắc tỉnh Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng), tạo ra không gian phát triển liên vùng và thu hút đầu tư; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương.
Hải Dương là tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hệ thống sông Thái Bình và sông Luộc. Ngoài 14 con sông lớn, Hải Dương còn có hàng chục sông nội đồng. Điều này đặt ra áp lực và thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông bởi việc đầu tư những cây cầu bắc qua sông tương đối khó khăn, tốn kém.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh luôn nỗ lực, ưu tiên đầu tư xây dựng cầu. Hải Dương hiện có 12 cầu bắc qua sông Trung ương và 15 cầu vuợt qua sông địa phương. Các cầu cơ bản bảo đảm nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân. Không những vậy, những cây cầu này còn là điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 12 cầu lớn trên hệ thống đường tỉnh và quốc lộ vượt các tuyến sông Trung ương. Đó là cầu Phú Lương, Lai Vu trên quốc lộ 5; cầu Bình, Chanh trên quốc lộ 37; cầu An Thái, Hiệp Thượng, Đá Vách trên quốc lộ 17B; cầy Mây trên đường tỉnh 389, cầu Triều trên đường dẫn cầu Triều; cầu Hàn trên đường tỉnh 390D; cầu Hợp Thanh, Quang Thanh trên đường tỉnh 390.
15 cầu lớn trên hệ thống đường tỉnh và quốc lộ vượt các sông địa phương gồm cầu Phú Tảo, Ràm, Bía trên quốc lộ 37; cầu Tràng Thưa, Neo trên quốc lộ 38B; cầu Sặt trên quốc lộ 38; cầu Ghẽ trên quốc lộ 5; cầu Lộ Cương trên đại lộ Võ Nguyên Giáp; cầu Cậy trên đường tỉnh 394; cầu Hồng Đức, Cửu An trên đường trục Bắc-Nam; cầu Di Linh trên đường tỉnh 396; cầu Vạn trên đường tỉnh 392; cầu Xe trên đường tỉnh 391; cầu Đáy trên đường tỉnh 393.
Một số công trình cầu kết nối nội tỉnh tiêu biểu sắp triển khai: Cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5; cầu vượt sông Thái Bình trên đường tỉnh 396 kéo dài; cầu Tân An và đường dẫn; cầu Vạn; cầu vượt sông Thái Bình và đường dẫn thuộc tuyến đường vành đai I TP Hải Dương…
HÀ NGUYỄN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/hai-duong-tao-suc-bat-tu-nhung-cay-cau-vuot-song-395143.html