Bắc Ninh phát động mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt Liên hoan bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh |
Từ việc xây dựng địa chỉ kinh doanh uy tín
Một trong những kênh được đánh giá tiêu thụ hiệu quả thời gian qua là “Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn”, do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động tại Trụ sở Cơ quan Hội Nông dân tỉnh từ năm 2016.
Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Bắc Ninh |
Chia sẻ của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, xuất phát từ xu thế tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, hướng đến các sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe; với mong muốn giới thiệu, kinh doanh sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã giao Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh là đơn vị trực tiếp đảm nhận xây dựng, duy trì mô hình Cửa hàng giới thiệu và bán nông sản an toàn.
Sau 8 năm hoạt động, cửa hàng đã trở thành địa chỉ tin cậy, có được lượng khách hàng thường xuyên đông đảo. Sản phẩm tại đây đều được gắn nhãn mác, tem, giúp người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Cũng tại đây, người tiêu dùng có thể tìm kiếm, nắm bắt những địa chỉ sản xuất sản phẩm uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lan tỏa việc sử dụng, tiêu dùng sản phẩm OCOP đặc trưng của Bắc Ninh.
Theo ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh: “Để đảm bảo chất lượng nguồn hàng cung ứng tại cửa hàng, chúng tôi đã lựa chọn những đơn vị cung ứng có uy tín, có chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng; đồng thời ký hợp đồng cung ứng, cử cán bộ trực tiếp giám sát và tham gia trong quá trình nhập hàng, kiểm hàng…”.
Để đa dạng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, ngoài các sản phẩm nông sản trong tỉnh, cửa hàng cũng lựa chọn những sản phẩm đặc sản ở một số vùng miền đã được xếp hạng OCOP như: Mì gạo sạch của tỉnh Bắc Giang; mộc nhĩ, nấm hương… của tỉnh Cao Bằng; miến dong, măng nứa khô của tỉnh Bắc Kạn; măng chua của Hòa Bình; nước tương của Hải Dương; tương ớt Mường Khương (Lào Cai) và nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành, vùng miền khác.
Chị Trần Thị Hải – nhà ở phường Suối Hoa (TP. Bắc Ninh) – cho biết: Lúc đầu ghé qua mua hàng tại đây chỉ là tiện chờ đón con tan trường, nhưng sau vài lần mua thì đến nay cửa hàng đã trở thành địa chỉ tin cậy mua thực phẩm của gia đình chị.
Sau thời gian triển khai có hiệu quả, đến nay, nhiều cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã ra đời, nhận được phản ứng tích cực của người tiêu dùng. Có thể kể đến như: Cửa hàng bán rau an toàn tại huyện Gia Bình; Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn tại xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du)…
Các cửa hàng cam kết thực hiện nghiêm túc quy định đã ký kết với tổ chức Hội nông dân đảm bảo chất lượng hàng hóa; thường xuyên giới thiệu nguồn gốc nông sản, thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện; chia sẻ thông tin hàng hóa với khách hàng…
Đến quảng bá sản phẩm
Cùng với “Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn”, những năm qua, Bắc Ninh liên tiếp tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn, nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ; tạo điều kiện cho các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp có cơ hội kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2024, Bắc Ninh tổ chức 3 phiên chợ nông sản an toàn |
Riêng trong năm 2024, Bắc Ninh tổ chức 3 phiên chợ nông sản an toàn. Phiên chợ thứ nhất diễn ra những ngày đầu năm nay với chủ đề “Phiên chợ đón xuân – Nông dân vững mạnh”. Trong phiên chợ lần đầu tiên của năm 2024 đã có sự tham gia của 22 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh và 5 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Hà Giang, Hải Phòng.
Những ngày đầu tháng 5/2024, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn lần thứ 2 năm 2024, với sự tham gia của 21 gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hải Phòng, Lào Cai…
Điểm đặc biệt là khi bước vào phiên chợ, hội viên nông dân và người tiêu dùng sẽ được cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tư vấn, hướng dẫn tải, cài đặt và sử dụng nền tảng số “Nông dân Việt Nam”. “Qua App “Nông dân Việt Nam”, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh mong muốn thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh đến với người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh – đánh giá: Quy mô chợ phiên nông sản an toàn tỉnh Bắc Ninh không quá lớn nhưng trong thời gian chợ phiên diễn ra đều nhận được sự đồng tình của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Nhằm tiếp tục quảng bá cũng như kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con, dự kiến từ ngày 14 – 16/10/2024, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn lần thứ 3 – năm 2024 tại khuôn viên Thư viện tỉnh Bắc Ninh (đường Lý Thái Tông, phường Suối Hoa, TP. Bắc Ninh).
Phiên chợ lần thứ 3 này sẽ có sự tham gia của 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh và các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Nghệ An, Tuyên Quang và TP. Hải Phòng.
Là người tham gia nhiều hội chợ phiên nông sản an toàn của tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Tân – Giám đốc Công ty TNHH Silic Tân Phát – chia sẻ: Mỗi phiên chợ như một sân chơi bổ ích để người tiêu dùng biết đến thương hiệu nông sản của địa phương mình cũng như các tỉnh bạn. Tôi mong muốn có thêm nhiều sân chơi như thế này hơn nữa để người tiêu dùng biết đến nhà vườn không phải qua thương lái nhưng vẫn tiếp cận được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Điểm nổi bật của chợ phiên là công tác kiểm soát chất lượng chặt chẽ, ngoài yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận phải kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất. Đây là hoạt động thường niên nhằm xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh; thúc đẩy giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; liên kết trong sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.