Sáng 8/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế và các nghĩa vụ liên quan; các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về quản lý thuế.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại biểu Quốc hội Hải Dương Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đinh Thị Ngọc Dung, thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
8 doanh nghiệp tiêu biểu, nộp thuế nhiều trên địa bàn tỉnh Hải Dương tham dự buổi làm việc gồm các Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, một thành viên Masan Hải Dương, Long Hải, Nguyễn Thị Thanh Bình và các Công ty CP Bia Hà Nội-Hải Dương, Kinh doanh nước sạch Hải Dương, Nhiệt điện Phả Lại.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp nêu một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình hoạt động, đặc biệt là những bất cập, tồn tại của chính sách thuế trong giai đoạn 2021-2023. Trong đó có những điểm bất cập trong áp dụng Thông tư 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tuy hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không rõ ràng về đối tượng hưởng, khó khăn khi xác định mã hàng thuộc diện giảm, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi áp dụng. Vướng mắc trong cấp quyền khai thác khoáng sản, việc chuyển đổi nhiên liệu xanh, nộp thuế đất…
Các doanh nghiệp đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Chính phủ, Bộ Tài chính sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 152/2015/TT-BTC và Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng cho các đơn vị sản xuất xi măng, đá xây dựng được áp dụng giá tính thuế tài nguyên theo mức giá cụ thể của sản phẩm tài nguyện đầu vào do UBND tỉnh, thành phố ban hành. Xem xét áp dụng mức thuế xuất khẩu là 0% thay vì 10% như hiện nay đối với clinker, xi măng và đề xuất quy định clinker xuất khẩu là đối tượng hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng. Đề xuất dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với bia rượu có lộ trình tăng và giãn tiến độ phù hợp, tránh tình trạng khó chồng khó cho doanh nghiệp. Chính sách giảm thuế, hỗ trợ thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp cần phải rõ ràng cụ thể đối tượng được hưởng, mặt hàng được hưởng để các doanh nghiệp áp dụng cho đúng. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhiệt điện chuyển đổi sang nhiên liệu xanh, nhiên liệu tái tạo…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga tiếp nhận các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, nhất là trong thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục bổ sung những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc vào báo cáo, gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tổng hợp để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt nhiều ý kiến sẽ được báo cáo ngay tại Kỳ họp thứ 8 tới đây. Đặc biệt trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nếu có vướng mắc về thể chế, chính sách có thể thông tin ngay đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết.
Thực hiện giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thuế trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2023”, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng sẽ làm việc với Chi cục Thuế khu vực Kim Môn và Cục Thuế tỉnh trong thời gian tới.
NGÂN HẠNH
Nguồn: https://baohaiduong.vn/doanh-nghiep-hai-duong-de-xuat-xem-xet-sua-doi-nhieu-chinh-sach-thue-395161.html