Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và điểm cầu 26 tỉnh, thành phố phía bắc từ Thanh Hóa trở ra.
Tại điểm cầu Hải Dương, các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ: Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh bão số 3 là cơn bão có cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều, thời gian lưu bão dài, gây mưa lũ lớn trên diện rộng, hậu quả nghiêm trọng cả về người, tài sản, vật chất và tinh thần với các tỉnh phía bắc. Với tinh thầnvì dân tộc, nghĩa đồng bào và sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hội nghị nhìn lại tình hình, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất nhiệm vụ giải pháp ứng phó với hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương, cấp bách triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn. Đó là khẩn trương khắc phục hậu quả bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra. Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá, hậu quả nặng nề và những mất mát, thiệt hại của người dân, của đất nước.
Phân tích các nguyên nhân khiến bão gây hậu quả rất lớn, Thủ tướng cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn tình trạng một số người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng; lãnh đạo, chỉ đạo có nơi, có lúc chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu…
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm: Bám sát tình hình, dự báo chính xác; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, phù hợp, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương, các cấp phải chủ động, tích cực với “3 trước, 4 tại chỗ” trong phòng chống và khắc phục hậu quả. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
“Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất… Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng”, Thủ tướng xúc động.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ ngành, các tỉnh thành phố đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt để làm tốt nhất trong khả năng có thể; cảm ơn nhân dân đã vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thi đua khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt, nhất là những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các mục tiêu sắp tới: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông. Cơn bão này có cường độ tăng rất nhanh, trong 24 giờ đã tăng 8 cấp và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Cơn bão số 3 có mức độ giảm cấp không theo quy luật thông thường, khi áp sát bờ biển Hà Nội-Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ. Bão số 3 gây gió mạnh, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Đồng thời gây mưa lớn cho khu vực Bắc bộ và Thanh Hoá với lượng mưa từ ngày 7-12/9 phổ biến từ 250-450 mm. Mưa lớn do hoàn lưu của bão gây ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày sau khi bão đi qua với cường suất cao trên 200 mm/ngày. Mưa lớn khiến mực nước các sông ở Bắc bộ lên nhanh, 20 trong số 25 tỉnh, thành phố phía bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Một số khu vực ở Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đến 15 giờ ngày ngày 14/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến 352 người chết, mất tích, 1.917 ngườu bị thương, 231.851 nhà bị hư hỏng. Trong sản xuất nông nghiệp, có 190.358 ha lúa, 48.727 ha rau màu, 31.745 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.269 lồng bè nuôi thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, gia cầm bị chết. Do thời gian hoàn lưu bão dài, gió giật mạnh làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học, biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, cột điện, cây xanh…bị hư hỏng; nhiều tỉnh, thành phố bị mất điện, mất liên lạc diện rộng. Bão lũ gây ra nhiều sự cố đê điều nguy hiểm. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra gần 32.000 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh với cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 13, gây ra mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 90-150 mm, có nơi trên 300 mm. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên rất nhanh, một số tuyến sông vượt xa mức báo động III và duy trì nhiều ngày gây áp lực, nguy cơ mất an toàn hệ thống công trình đê điều và thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 13/9, để ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, Hải Dương đã ban hành 15 công điện chỉ đạo, huy động hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân phòng chống bão lũ, di chuyển người, tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn… Tỉnh cấp ngay 60 tỷ đồng cho 12 huyện, thành phố, thị xã để khẩn trương xử lý, khắc phục hậu quả bão lũ.
Tính hết ngày 13/9, bão số 3 và mưa lũ sau báo đã làm khoảng 7.755 ha lúa, 3.202 ha rau màu, 4.372 ha cây ăn quả bị ngập úng, dập nát hoặc gãy đổ; 4.000 con gia súc, gia cầm bị chết, 569 ha nuôi thuỷ sản, 434 lồng cá trên sông bị tràn, trôi lồng. Gần 21.000 công trình (nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học, biển quảng cáo, biển hiệu…) bị hư hỏng, tốc mái, đổ; 102.000 cây xanh, 1.798 cột điện, 9 trạm BTS bị gãy đổ… Mưa lũ làm xuất hiện nhiều sự cố đê điều, thuỷ lợi. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão trên địa bàn tỉnh hơn 1.500 tỷ đồng. Số liệu về thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
PV- Báo Chính phủ
Nguồn: https://baohaiduong.vn/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-393106.html