Xã Thanh Quang (Nam Sách) có hơn 2,2 km đê hữu sông Kinh Thầy với 2 điếm canh đê và 2 cống lớn qua đê. Từ khi nước sông đạt mức báo động I vào ngày 9/9 vừa qua, địa phương đã cắt cử lực lượng canh giữ, trông nom tuyến đê. Sáng 11/9, lũ lên báo động III, ngay lập tức 150 người thuộc đội xung kích ứng trực bảo vệ đê của xã được huy động, sẵn sàng kiểm tra, bảo vệ đê ở mức cao nhất. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết, ngoài lực lượng trực 24/24 giờ tại đê thì toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động của xã được phân công tuần tra, giám sát, hỗ trợ tích cực cho người canh đê.
Ông Trần Đình Chế ở thôn Tông Phố, xã Thanh Quang (Nam Sách) được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành hoạt động tại điếm canh đê canh đê Hà Liễu. Ông Chế cho hay với mức báo động III, thì ban ngày 6 người trực còn đêm lên tới 12 người. Lực lượng trực chia làm 4 kíp thay phiên tuần tra liên tục, cứ kíp này về thì kịp khác lại lên đường. Mọi người kiểm tra tỉ mỉ, kỹ từng mét đê để tìm mạch đùn, mạch sủi. “Anh em trực bảo nhau không được chủ quan, lơ là, lúc nào cũng phải nâng cao cảnh giác, phát hiện sự cố để xử lý kịp thời”, ông Chế quả quyết nói.
Lực lượng ứng trực trên các tuyến đê tại Hải Dương không chỉ có nam giới mà cánh chị em cũng hăng hái , xung phong nhận nhiệm vụ. Bà Nguyễn Thị Toan ở thôn Cập Thượng 2, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) đã 5 ngày tham gia canh giữ tuyến đê tả sông Thái Bình trên địa bàn. Theo bà Toan, từ khi còn là thanh niên, mỗi khi có lũ lớn bà đều đăng ký trực đê. Giờ đã đứng tuổi, bà vẫn sẵn sàng làm công việc này, góp sức bảo vệ an toàn cho địa phương trong mùa lũ. Bà Toan cho biết: “Ở xã Tiền Tiến, số chị em nhận trực đê chiếm hơn nửa quân số. UBND xã cũng bố trí cho chị em trực ca ngày để bảo đảm sức khỏe song vẫn có nhiều chị em, cô bác sẵn sàng canh đêm khi được huy động”.
Lực lượng tuần tra, canh gác đê có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn mùa mưa bão. Đây là những người phát hiện đầu tiên sự cố đê điều để xử lý từ giờ đầu, tránh được hậu quả đáng tiếc. Những ngày qua, các sự cố đê điều phát sinh trên địa bàn tỉnh đều do lực lượng này phát hiện, thông báo. Vì được phát hiện sớm, xử lý nhanh nên hệ thống đê điều của tỉnh tương đối ổn định, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hải ở xã Tiền Tiến là người đầu tiên phát hiện ra lỗ rò nguy hiểm thân đê tả sông Thái Bình vào tối 11/9. Ngay lập tức, ông đã thông báo cho UBND xã để huy động lực lượng, vật tư để xử lý. Chỉ sau 1,5 giờ đồng hồ, sự cố này được khắc phục. Ông Hải cho hay: “Ngoài lực lượng của xã, thành phố thì hàng trăm người dân cũng xắn tay hỗ trợ đóng bao tải cát, đóng cọc tre. Ai cũng nỗ lực để sự cố được xử lý nhanh nhất có thể. Trong mùa lũ bão, an toàn là trên hết”.
Hải Dương có hơn 370 km đê với 267 điếm canh đê. Từ khi mực nước sông đạt mức báo động I, 235 đội xung kích phòng chống thiên tai với hơn 28.000 thành viên của các địa phương trong tỉnh được kích hoạt, sẵn sàng nhiệm vụ hộ đê. Khi lũ đạt báo động III thì lực lượng tuần tra, canh gác được huy động tối đa, ngày đêm làm nhiệm vụ, cảnh giác cao độ từng phút, từng giây với mục tiêu bảo đảm an toàn các tuyến đê. Nhờ lực lượng tuần tra, canh gác, đến tối 12/9 toàn tỉnh đã xử lý kịp thời 92 sự cố đê điều, bảo đảm an toàn hệ thống đê trước lũ lớn.
Lúc 5 giờ ngày 13/9, mực nước sông Thái Bình 6,1 m, cao hơn báo động III là 0,1 m, cao nhất trong 28 năm qua. Dự báo, mực nước sông Thái Bình xuống chậm, duy trì ở mức trên báo động III trong ngày 13/9.
Ngay trong tối 12/9, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu, các địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ toàn tuyến 24/24 giờ. Những điểm đê xung yếu, sự cố phát sinh đã được xử lý hay đang khắc phục đều được phân người trực để theo dõi diễn biến, kịp thời thông tin để xử lý từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Ai nấy đều nỗ lực, quyết tâm bảo vệ an toàn tuyến đê trước mưa lũ.
NGUYỄN HÀ
Nguồn: https://baohaiduong.vn/lu-vuot-bao-dong-iii-hai-duong-bao-ve-nghiem-ngat-tung-met-de-392916.html