Trang phục in dấu vàng son một thuở
Căn phòng rộng cả trăm mét vuông, trưng bày la liệt cổ vật, món đồ nào cũng in dấu thời gian, trong đó những chiếc tủ đựng quần áo của nhà vua, hoàng hậu, công chúa thời xưa nổi bật và chiếm một không gian khá lớn. Đưa chúng tôi tham quan, ông Nhân bảo toàn bộ số y phục này đều do ông sưu tầm từ nước ngoài về, tất cả đều phải qua đấu giá.
Trong đó có 2 chiếc áo tế màu vàng, kích thước rất lớn của một vị vua triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có một chiếc áo thường phục của vua Đồng Khánh – vị hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885-1889.
Trong một chiếc tủ rộng bằng kính, ông Nhân trưng bày 3 chiếc áo và một số phụ kiện đi kèm của hoàng hậu, công chúa thời xưa. Nổi bật là chiếc áo của Hoàng hậu Nam Phương. Bà Nam Phương được phong làm hoàng hậu ngay khi lấy vua Bảo Đại, mà may một chiếc áo dùng trong lễ sắc phong hoàng hậu phải mất đến 6 tháng nên không kịp. Thế nên mẹ chồng đã tặng lại cho bà chiếc áo này trong ngày sắc phong.
Ngoài ra còn có một bộ váy áo của bà Nguyễn Phúc Tốn Tùy, thường được gọi là Bà Chúa Nhất, hiệu Mỹ Lương Công chúa, là con vua Dục Đức. Bộ còn lại của một người vợ của vua Đồng Khánh.
Điểm tương đồng của những bộ quần áo nhà vua, hoàng hậu và công chúa ngày xưa là được làm bằng chất liệu cao cấp như gấm dệt, sa vân, lụa tơ. Trên trang phục thêu thùa rất kỳ công bằng các sợi chỉ vàng…
Ngoài những trang phục kể trên, trong bộ sưu tập của ông Nhân còn có nhiều món đồ khác liên quan đến triều đình xưa như áo của Thái tử, quan văn nhất phẩm triều Nguyễn, cung nữ; giày dép, trâm cài tóc bằng vàng; cuốn thư…
Kết nối văn hóa truyền thống
Hiện ông Nhân sở hữu hàng nghìn cổ vật quý, trong đó có nhiều đồ dùng sinh hoạt trong hoàng cung. Điển hình là hàng chục món đồ gốm sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh. Theo lời giới thiệu của ông, để sở hữu những đồ sứ thời Lê – Trịnh là rất khó vì triều đại này thường đặt hàng từ Trung Quốc. Trên mỗi món đồ đều có ký hiệu riêng của các nội phủ để không xảy ra việc dùng chung. Đồ chẳng may thất lạc ra ngoài cung thì cũng không ai dám dùng, tất cả đều trả lại vì nếu bị phát hiện sẽ bị xử tội rất nặng. Do đó, đồ gốm thời này đến nay không còn nhiều và thường lưu lạc ở nước ngoài…
Ông Nhân hiện là Chủ tịch Hội Cổ vật xứ Đông – Hải Dương. Nắm giữ trong tay nhiều cổ vật quý, ông Nhân cũng thường mang đến nhiều buổi triển lãm để chia sẻ với mọi người. Vào năm 2022, tại Triển lãm cổ vật cung đình Huế được tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, trong số khoảng 200 cổ vật hoàng cung được trưng bày, ông Nhân đóng góp nhiều nhất với 36 hiện vật. Sắp tới đây, ông dự định mang một số món đồ trưng bày tại không gian Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hướng tới kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm ngày giải phóng TP Hải Dương, vào tháng 10 tới, ông cũng sẽ mang nhiều món cổ vật quý trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương…
“Từ bé tôi đã bị cuốn hút bởi những món đồ cổ còn lưu lại trên mảnh đất quê hương Kẻ Sặt. Đó có thể chỉ là những mảnh vỡ sành sứ của những người buôn bán khi xưa đi qua vùng đất này. Đam mê cứ lớn dần lên, khi điều kiện kinh tế cho phép, tôi quan tâm đầu tư hơn. Những món đồ ấy, khi phủi đi lớp bụi thời gian nó là cả bề dày văn hóa, truyền thống của dân tộc. Tôi tin rằng bất kỳ ai là người Việt Nam, khi nhìn thấy chúng cũng sẽ tự hào về nền văn hóa của quê hương”, ông Nhân chia sẻ.
THANH NGA – TUẤN ANH
Nguồn: https://baohaiduong.vn/nguoi-suu-tam-co-vat-cung-dinh-doc-nhat-vo-nhi-o-hai-duong-390868.html