Nhạy bén
Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Cẩm Giàng) là doanh nghiệp có “số má” trong lĩnh vực nông nghiệp do ông Nguyễn Đức Mệnh dày công gây dựng. Ngày trước, cũng giống như các hộ khác tại địa phương, kế sinh nhai của vợ chồng ông Mệnh là trồng cà rốt. Sau đó, nhà ông bắt đầu thu gom cà rốt của người dân để buôn bán kiếm lời. Song công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi mặt hàng tươi nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ mất nhiều hơn được.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mì ăn liền, ông Mệnh thấy được cơ hội làm ăn. Năm 1992, ông mở xưởng nhỏ chế biến cà rốt khô để làm nguyên liệu cho gia vị mì gói. Dần dà ông mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thêm các mặt hàng nông sản khô như hành củ, hành lá, gừng, ớt, tỏi… Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, năm 2009 ông Mệnh thành lập doanh nghiệp. Đến nay, dù trải qua không ít khó khăn, biến cố nhưng Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương vẫn hoạt động ổn định, khẳng định vị thế doanh nghiệp nông sản chủ lực tại Hải Dương. Không chỉ tiêu thụ nông sản chế biến trong nước, công ty của ông Mệnh còn kết nối, đưa cà rốt xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản…
“Nếu không chế biến để tạo ra sự đa dạng về sản phẩm nông sản, để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn thì nông sản vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá”, ông Nguyễn Đức Mệnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương khẳng định.
Lập nghiệp từ con rươi, con cáy của quê hương An Thanh (Tứ Kỳ) nhưng ông Hà Văn Bẩy không chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng mà còn nuôi ý tưởng phát triển sản phẩm đã qua chế biến. Theo ông Bẩy, rươi cáy là đặc sản song lại chỉ có theo mùa. Vì thế, ông luôn mong muốn tìm hướng đi mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2020, ông Bẩy bắt đầu nghiên cứu chế biến con rươi, con cáy. Ban đầu ông áp dụng kỹ thuật cấp đông để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm quanh năm. Khi đã thành công, ông tiếp tục tìm hiểu và cho ra đời nhiều sản phẩm rươi ăn liền, phù hợp thị hiếu khách hàng.
Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tiến triển khả quan, năm 2022 ông Bẩy thành lập Công ty TNHH Đặc sản rươi cáy Hà Tiến nhằm nâng cao uy tín, tạo thuận lợi trong quản lý, điều hành. Ngoài vùng sản xuất hơn 2 ha, công ty của ông Bẩy còn bao tiêu không giới hạn rươi, cáy của nông dân trong vùng nếu bảo đảm chất lượng. Mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn rươi cấp đông, hơn 10 tấn rươi chế biến sâu. Hiện công ty có 4 sản phẩm rươi chế biến được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ông Bẩy cho biết: “Ngoài 5 sản phẩm rươi chế biến đang sản xuất, kinh doanh ổn định, sắp tới công ty cho ra mắt 5 sản phẩm mới. Chúng tôi đặt mục tiêu sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu”.
Thử sức
Bên cạnh những nông dân đi lên từ ruộng đồng thì ở Hải Dương cũng có những người trẻ dám nghĩ, dám làm, quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Do đam mê với nông nghiệp hữu cơ nên thay vì chọn kinh doanh mảng ngành được gia đình định hướng, anh Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1993, ở thị trấn Nam Sách) lại thành lập Công ty CP Nông trại Việt để thử sức với nghề nông. Trước khi quyết định lập doanh nghiệp nông nghiệp, anh Tuấn Anh đã học làm nông dân. Từ năm 2016, anh Tuấn Anh thuê đất ở xã An Lâm (Nam Sách) nuôi giun quế, trồng rau, chăn gà theo hướng hữu cơ. Nông sản hữu cơ tại trang trại được cung cấp cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Để có nguồn hàng thường xuyên, đều đặn, anh còn liên kết với các cơ sở sản xuất sạch trong và ngoài tỉnh. Và ưu điểm của người trẻ như anh Tuấn Anh là không dễ bằng lòng với chính mình. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Hiện nuôi cá lồng tại tỉnh rất phát triển nhưng lại không có cơ sở chế biến sâu, tiêu thụ vẫn bấp bênh. Mặt khác, nhiều nơi trong tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch mà vẫn chưa định hình rõ nét. Tôi đang nghiên cứu phát triển doanh nghiệp theo hướng trên”.
Từ những bài học
Thời gian qua, Hải Dương có những ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Vì thế, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn có phát triển nhưng quy mô vẫn nhỏ, chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng. Bên cạnh những gương mặt mới hăng hái, năng nổ, quyết tâm dấn thân, thử sức với lĩnh vực đầy rủi ro này thì cũng có doanh nghiệp đã trở thành thương hiệu vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại. Điển hình là sự lụi tàn của Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc)-niềm tự hào một thời của nông nghiệp Hải Dương. Người đứng đầu doanh nghiệp là ông Tăng Xuân Trường, là nông dân thực thụ, đi lên từ nghề nông song vì thiếu kỹ năng quản lý, điều hành mà nội bộ mâu thuẫn, lâm vào kiện tụng. Đây là bài học cho những doanh nhân nông dân khi đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.
Nông nghiệp vốn là ngành đặc thù, đầu tư lớn, rủi ro cao, nếu không nhanh nhạy, đổi mới thì sẽ bị lùi lại phía sau. Bên cạnh đó, hầu hết sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng nên phải sản xuất bằng cái tâm. Có như vậy mới tạo được uy tín, xây dựng chỗ đứng trên thị trường.
Ngoài những kinh nghiệm, kỹ năng trong quản lý thì những người trẻ cần những thông tin hữu ích về nông nghiệp của tỉnh để có định hướng phát triển. Anh Nguyễn Tuấn Anh thừa nhận hiện thông tin về vùng sản xuất, chính sách hỗ trợ nông nghiệp… mà anh tiếp cận rất ít ỏi. Mục tiêu mà anh đang hướng tới rất cần có những định hướng từ cơ quan quản lý Nhà nước. “Chúng tôi rất muốn được hỗ trợ về mặt thông tin để có cơ sở đánh giá, tính toán và hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh; đồng thời được tư vấn về những cơ chế, chính sách mà tỉnh đang triển khai, áp dụng. Có như vậy, những người trẻ mới tự tin hơn trên con đường tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp”, anh Tuấn Anh thông tin thêm.
DŨNG CƯỜNG
Nguồn: https://baohaiduong.vn/khi-nong-dan-hai-duong-tro-thanh-doanh-nhan-392062.html