“Biển này là của ta, đảo này là của ta”
Bài hát thật lạ vì phải đến khi ra tận đảo Song Tử Tây tôi mới được nghe. Hát về Tổ quốc nhưng tiếng hát hồn nhiên, trong trẻo của trẻ thơ càng rung động lòng người. Khoảnh khắc đó, trái tim tôi chỉ biết rưng rưng.
Một cảm giác biết ơn trào lên. Ơn những người lính, ơn cả những em bé đã cùng bố mẹ ra hải đảo xa xôi, sinh sống và bảo vệ Tổ quốc.
Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử, là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), cách đất liền hơn 300 hải lý. Xa lắm vì phải trải qua 2 ngày đêm sóng to gió lớn mùa thăm quân dân quần đảo Trường Sa đầu năm 2024 làm cho say lử đử, đoàn khách ở đất liền mới cập được đảo. Nhưng gần gũi, ấm áp vô cùng vì được quân dân trên đảo đón tiếp như người nhà.
Phó Chủ tịch UBND xã đảo Cao Văn Giáp vồn vã đón khách. “Lâu lắm mới có đoàn đông như thế này từ đất liền đến thăm làm cả đảo nhộn nhịp hẳn lên”, anh Giáp nói. Anh công tác ở đảo đã trên 20 năm. Mọi người đùa trêu anh “nghiện đảo”, vì vợ con anh đều ở đất liền, nhưng anh chưa có ý định rời xa đảo. Hỏi anh yêu đảo đến thế sao? Anh bảo: “Không. Đó là điều gì đó tự nhiên chảy trong máu của mình”.
Giữa biển trời bao la, xung quanh mênh mông là nước, không thấy đường chân trời, con người nhỏ bé đến nhường nào giữa muôn trùng khơi. Vậy điều gì đang chảy trong anh Giáp và những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng đảo nơi đây, để họ không một giây mảy may mềm lòng, lơ đễnh với nhiệm vụ được giao?
Có phải bởi họ đang mang trong mình niềm kiêu hãnh, trong mọi hoàn cảnh luôn giữ phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ, kiên trung, vững vàng và đặc biệt luôn tự hào là người lính Trường Sa – những người đến với Trường Sa chỉ với một nhiệm vụ duy nhất, thiêng liêng nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây đã gắn bó với đảo thứ 5 sau khi làm nhiệm vụ tại các đảo Thuyền Chài, Đá Nam, Phan Vinh, Nam Yết. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ của anh là được đi theo con đường binh nghiệp và giờ đây được làm nhiệm vụ tại Trường Sa là vinh dự không chỉ của riêng anh mà còn là niềm tự hào của cả gia đình.
Anh Khương thích nhất những lúc tranh thủ viết thư tay cho vợ, kể về cuộc sống ngoài đảo mộng mơ ra sao, kể về những em bé hồn nhiên ở đảo trạc tuổi con anh, những cây bàng vuông, những luống rau xanh mà anh và đồng đội tự tay chăm sóc… Thư nào anh cũng dặn vợ giữ gìn sức khỏe, thay anh chăm sóc bố mẹ và các con. Còn biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nhớ nhung của người làm nhiệm vụ nơi biển đảo, xa gia đình, xa đất liền… anh đều giấu trong sâu thẳm, không chất thêm gánh nặng lên vai vợ.
“Với mỗi chúng ta tuổi trẻ chỉ có một mà thôi. Hãy sống hết mình, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Hãy tự hào là người lính Trường Sa” – tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc được Thượng tá Nguyễn Văn Khương trao truyền tới các chiến sĩ, các em học sinh trên đảo như thế trong mỗi lần sinh hoạt tập thể.
Trung úy Phan Việt Hoàng đang trong năm đầu tiên làm nhiệm vụ trên đảo Cô Lin. Trước khi ra với đảo, anh đã hiểu cuộc sống nơi đây sẽ khó khăn, vất vả nhưng anh không quản ngại. “Mỗi người có một sự lựa chọn và tôi lựa chọn được làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Được đến với Trường Sa, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn”, chia sẻ của Trung úy Phan Việt Hoàng như nói hộ ước ao của hàng triệu người trẻ Việt Nam.
Giữ bình yên cho mỗi mái nhà
Chỉ những người đã và đang sống, làm việc xa gia đình mới thấu hiểu được nỗi nhớ nhung da diết luôn cuộn chảy trong mỗi người, nhất là với những người lính Trường Sa – dù nhớ nhung cháy bỏng cũng không dễ gì vượt muôn trùng sóng gió đại dương để có thể trở về nhà theo ý muốn. Họ đã âm thầm hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên khắp các quần đảo của ta tuy khác nhau về độ tuổi, đến từ khắp các vùng miền trong cả nước đều đang âm thầm hy sinh như thế, chính là để giữ bình yên cho mỗi mái nhà.
Lần làm nhiệm vụ tại đảo Cô Lin này thực sự ý nghĩa với cuộc đời binh nghiệp của Đại úy Phạm Thu Chung bởi Cô Lin là đảo nhỏ, không gian hẹp, lại ở vùng khí hậu khắc nghiệt. Bủa vây đảo đều chỉ có sự khắc nghiệt nhưng không thể làm mềm ý chí của những người lính đóng quân ở đảo. Giữa bốn bề sóng gió, tình đồng chí, đồng đội gắn kết càng thực sự khẳng định “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Những lúc nghỉ ngơi, chuyện về gia đình, quê hương chính là ngọn lửa sưởi ấm trái tim họ. Dù xa xôi, cách trở nhưng Đại úy Phạm Thu Chung bảo chính nhờ những câu chuyện về hậu phương nên anh em cán bộ, chiến sĩ càng xích lại gần nhau hơn, hiểu và yêu quý nhau hơn. Họ đều nhớ được con của cán bộ, chiến sĩ nào đang học lớp mấy, yêu thích món ăn gì, mẹ hoặc vợ của ai nấu món gì ngon, quê của ai có điểm du lịch nổi tiếng… Gia đình tuy cách xa nhưng hóa ra luôn nằm trong trái tim của mỗi người lính.
“Ba mẹ chính là người em muốn được ôm chặt đầu tiên khi trở về đất liền. Nhờ ba mẹ động viên mà em đã được trở thành người lính hải quân”, một người lính trẻ không kịp ghi tên trên đảo Sinh Tồn nói với tôi.
Dẫu cách xa đất liền muôn trùng, trong nhịp sống bình yên ở quần đảo Trường Sa hôm nay, tôi như thấy ngọn hải đăng yêu nước luôn soi rọi đến trái tim của mỗi người, để người tiếp người không quản ngại khó khăn luôn kết chặt tay nhau làm thành đồng vững vàng bảo vệ Tổ quốc.
LINH LAN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/truong-sa-ngon-hai-dang-trong-tim-390959.html