Chiều 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành, cơ quan về chính sách tiền tệ.
Chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng, do đó Chính phủ thường xuyên tổ chức họp để điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm thông suốt, hiệu quả, phục vụ sự phát triển của đất nước, người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra sai sót, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, sự phát triển chung, đồng thời bảo đảm sự an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia, nhất là khi tình hình có những biến động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhìn chung thời cơ, thuận lợi ít hơn khó khăn, thách thức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá lại các chính sách để xem những gì làm được, chưa làm được; chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, tiếp tục có chính sách phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển.
Trong đó, rà soát lại chính sách tiền tệ, đặc biệt là chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, sát tình hình; kiểm điểm tình hình thực hiện một số quy định của pháp luật, đề ra một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận hơn lợi cho người dân, doanh nghiệp; xem xét tình hình tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay.
Theo Thủ tướng, từ nay đến cuối năm tập trung hơn cho tăng trưởng, do đó phải thực hiện cung tiền ra, song việc cung tiền ra phải bảo đảm dòng tiền hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, kiểm soát được nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Cho biết, số tiền trong dân gửi trong ngân hàng đạt 15-16 triệu tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ nằm trong ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta điều hành chính sách tiền tệ tốt, nhất là vấn đề quản lý thị trường vàng, nhưng về lâu dài, phải tính toán bài bản, có giải pháp chống đôla hóa, vàng hóa một cách căn cơ, không để người dân tích trữ đôla, tích trữ vàng mà phải khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, từ đó có thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 VND/USD tăng 1,63% so với cuối năm 2023, ở mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý 2 năm 2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: chương trình 120 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 ngàn tỷ đồng…
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan cho rằng việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối gặp nhiều khó khăn, thách thức; áp lực lạm phát gia tăng; tăng trưởng tín dụng tại một số địa phương còn thấp; khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, việc chọn thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác là chủ trương phù hợp; Ngân hàng Nhà nước thực hiện hiệu quả. Qua đó, góp phần đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, tình hình vẫn có nhiều khó khăn do mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, phải có giải pháp kiềm chế bằng các công cụ ngân hàng; tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, phải thúc đẩy nhưng yêu cầu lãi suất cho vay phải giữ, thậm chí giảm cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm; nhu cầu ngoại tệ tăng do nhập khẩu tăng; rủi ro, căng thẳng về địa chính trị khó lường, phức tạp; dư nợ tín dụng lớn, song phải đưa vào nền kinh tế, tăng công ăn việc làm, tăng sinh kế cho người dân…
Nêu các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng phải bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh; chỉ đạo, điều hành phải linh hoạt, nhưng không giật cục; các chính sách phải đồng bộ, phối hợp, hỗ trợ cho nhau; đưa ra thông điệp, chính sách phải rõ ràng, dứt khoát, phù hợp thực tiễn, theo phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”; tham khảo kinh nghiệm thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam…
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan nắm chắc, bám sát tình hình; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng tín dụng cho các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt kỷ lục xuất khẩu mới, đạt từ 750 đến 800 tỷ USD, xuất siêu trên 20 tỷ USD trong năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thúc đẩy tiêu dùng trong nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán các FTA mới; thúc đẩy sản xuất trong nước; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi, thu hút đầu tư; triển khai hiệu quả các Luật mới được ban hành, nhất là liên quan đất đai, nhà ở để phát triển thị trường bất động sản…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên cho các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; điều hành tỷ giá linh hoạt, gắn với huy động trái phiếu, cung ngoại tệ, thu hút FDI, thúc đẩy xuất khẩu và tiền gửi nước ngoài về; vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay vào các động lực tăng trưởng, dự án phát triển hạ tầng quan trọng, trong đó các Ngân hàng Nhà nước phải tiên phong thực hiện, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Chỉ đạo điều hành hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc điều hành tín dụng phải phù hợp với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các diễn biến của nền kinh tế; điều hành room tín dụng công khai, minh bạch; tăng cường giám sát, kiểm tra, chủ động thu hồi một số chỉ tiêu tín dụng; triển khai quyết liệt các chương trình ưu đãi; bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; kiểm soát nợ xấu; tăng cường thông tin, truyền thông đầy đủ, rõ ràng để người dân có kiến thức và tham gia thị trường phù hợp, hiệu quả; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số; kiểm soát một cách căn cơ thị trường vàng, thị trường ngoại tệ, nhất là USD; tái cơ cấu dứt điểm các tổ chức tín dụng…
Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Thủ tướng nêu rõ, đây là một chính sách nhân văn làm cho người nghèo có nhà vì vậy phải có chính sách phù hợp, hợp lý để người dân tiếp cận được gói tín dụng này, nhất là khi 4 Luật về đất đai, nhà ở vừa có hiệu lực.
Thủ tướng tin tưởng, ngành ngân hàng và các bộ, ngành “đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa”; phát huy, thúc đẩy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức để làm tốt hơn trong thời gian tới, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
VN (theo TTXVN)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/nguoi-dan-dang-gui-ngan-hang-15-16-trieu-ty-dong-389465.html