Cách đây 10 năm, ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đối với tín dụng chính sách xã hội”. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền Hải Dương đã tích cực vào cuộc, chuyển tải nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đầu năm 2013, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà Phạm Thị Thiềm ở thôn Phú Nội, xã Bình Dân (Kim Thành) biết đến măng tây, một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao. Nhận thấy tiềm năng của thị trường, bà Thiềm đã đầu tư cải tạo 8 sào ruộng của gia đình, thuê thêm hơn 2 mẫu ruộng khác để trồng măng tây. “Nguồn vốn của gia đình tôi lúc đó còn ít nên đành liệu cơm gắp mắm. Hơn nữa, tôi cũng vừa làm vừa nghe ngóng thị trường. Thật may mắn, sản phẩm măng tây của gia đình tôi thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó”, bà Thiềm kể.
Đến năm 2015, bà Thiềm đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để mở rộng diện tích trồng trọt. Lúc ấy khi nghĩ đến việc vay vốn ngân hàng bà Thiềm cũng lo lắm, vì nếu việc kinh doanh không thuận lợi thì lấy đâu ra tiền trả gốc, lãi. Song được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Thành và Hội Phụ nữ xã Bình Dân tư vấn về thủ tục vay vốn, nhất là mức lãi suất, bà thấy mình đủ khả năng chi trả nên đã vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. “Số tiền ấy đã góp phần không nhỏ giúp gia đình tôi có bước phát triển mới trong trồng và kinh doanh măng tây. Từ 3 mẫu ban đầu, lên 5 mẫu rồi cứ thế mở rộng dần. Đến nay gia đình tôi đã có 10 mẫu trồng măng tây”, bà Thiềm cho biết.
Ruộng măng tây không những mang về cho bà Thiềm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn giúp tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không những đã giúp cho những trường hợp như bà Thiềm ổn định sinh kế, có thêm thu nhập, mà còn giúp rất nhiều trường hợp khó khăn khác thông qua nhiều chương trình phù hợp. Ví như chương trình cho vay nhà ở xã hội mà gia đình chị Nguyễn Thị Huê ở thôn Trại Vực, xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được thụ hưởng là một ví dụ. Từ hàng chục năm về trước, đại gia đình chị Huê cùng sống trong căn nhà hai gian mái ngói, rộng chừng hơn 30 m2. “Chật chội, xuống cấp lắm rồi. Nhiều lúc mưa xuống mà chẳng cần mưa mau đâu, có khi chỉ là cơn mưa nhỏ kéo dài nhưng nhà tôi cũng phải hứng chỗ này, bịt chỗ kia vì dột”, chị Huê kể.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình nhà ở xã hội, chị Huê được vay 300 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. “Quả thực nếu không có số tiền vay với lãi suất ưu đãi này thì vợ chồng tôi cũng không dám xây nhà đâu. Giờ tôi đã có căn nhà mới gần 100 m2 khang trang, sạch sẽ. Hơn nữa, vợ chồng tôi lại được vay thêm nguồn vốn theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên có điều kiện hoàn thiện căn nhà. Tết Giáp Thìn 2024 vừa rồi là cái Tết đầu tiên của gia đình tôi ở căn nhà mới, hạnh phúc lắm”, chị Huê chia sẻ.
Với gia đình ông Nguyễn Đức Hạnh ở thôn Tân Quang, xã Quang Khải (Tứ Kỳ), nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp vợ chồng ông vơi đi nỗi lo, nhân thêm niềm vui khi các con học đại học. “Sau một biến cố lớn trong kinh doanh, tôi chỉ còn hai bàn tay trắng. Cả gia đình gần chục miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Các con tôi vì thương ông bà, bố mẹ nên luôn cố gắng học hành. Rồi các cháu đỗ vào các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại thương và lớp tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội. Vui khi các cháu học hành đỗ đạt, nhưng lo vì không biết xoay xở thế nào”, ông Hạnh chia sẻ.
Tính riêng vốn vay chương trình học sinh, sinh viên, gia đình ông Hạnh đã được vay tổng số 185 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã trả hết nợ vay cho con lớn và con thứ hai, còn dư nợ 90 triệu đồng vốn vay cho con thứ ba.
Sau lầm lỗi, anh Chu Văn Son ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) phải chịu án phạt tù. Chấp hành xong án, anh trở về nhà với quyết tâm xây lại cuộc sống mới, song bản thân vẫn còn nhiều mặc cảm, tự ti.
“Thiếu vốn nên lúc ấy tôi chưa biết sẽ tính kế sinh nhai thế nào. Thời điểm khó khăn nhất ấy, gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình dành cho người chấp hành xong án phạt tù. Thực sự không có gì diễn tả niềm vui của bản thân tôi và gia đình. Giống như được mở ra một cánh cửa tươi sáng hơn vậy”, anh Son chia sẻ.
Với nguồn vốn ưu đãi được vay, cộng thêm vốn vay từ họ hàng, anh Son đã cải tạo lại ruộng, dựng nhà màng rộng hơn 3.600 m2 để trồng dưa lưới TL3 ruột vàng.
Sau hơn 3 tháng chăm chỉ, anh Son vừa thu hoạch vụ dưa lưới đầu tiên với sản lượng ước chừng hơn 10 tấn, thu về hàng trăm triệu đồng.
“Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40). Một quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã mang lại những kết quả khích lệ trên các mặt đời sống kinh tế, văn hóa và trật tự xã hội cho người dân nghèo nông thôn.
10 năm qua, Chỉ thị 40 đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Từ đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh không chỉ là “cầu nối” giải ngân tín dụng của Chính phủ…
…mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng – người dân – chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, nỗ lực chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng đến các trường hợp đủ điều kiện.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Chỉ thị, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Thông báo để lãnh đạo thực hiện. Các văn bản của Tỉnh ủy đã chỉ đạo rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2025, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, sớm hơn 5 năm so với chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội của Chính phủ.
Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách thường xuyên được rà soát, tháo gỡ. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo bổ sung nguồn vốn ủy thác tại địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.170 tỷ đồng, tăng 120% so với năm 2014. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 502 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng nguồn vốn, tăng gấp 18,5 lần so với trước khi Chỉ thị 40 được ban hành.
Có thể khẳng định sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đang thực hiện đã góp phần tích cực giúp Hải Dương giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương trong tỉnh.
Thực hiện: HÀ KIÊN
Ảnh: THÀNH CHUNG
Nguồn: https://baohaiduong.vn/10-nam-thuc-hien-chi-thi-40-ve-tin-dung-chinh-sach-hai-duong-vao-cuoc-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-388773.html