Những cái chết thương tâm
Khi nhắc lại vụ tai nạn giao thông do ô tô tải đi sai làn khiến 1 học sinh trường nghề tử vong, nhiều người dân ở phường An Lưu (Kinh Môn) không khỏi xót xa. Nạn nhân là em N.Đ.N. sinh năm 2007, ở phường An Sinh (Kinh Môn). N. lớn lên thiếu vắng tình thương của bố mẹ, hoàn cảnh rất khó khăn. Ngoài thời gian học nghề, N. làm công việc giao hàng để kiếm thêm thu nhập. Tối 28/2, khi N. ngồi sau xe máy của một người bạn bằng tuổi ở phường Hiệp Sơn (cùng thị xã Kinh Môn) đi trên đường tỉnh 389, đến km 22+800 thuộc địa phận phường An Lưu thì bị một chiếc xe ben tông trúng. N. đã tử vong trên đường đi cấp cứu, người bạn của N. may mắn thoát khỏi cửa tử. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do lái xe tải đi sai làn đường, người đi xe máy đến khu vực nút giao cũng không giảm tốc độ.
Một vụ tai nạn giao thông khác ở Kinh Môn nạn nhân cũng còn rất trẻ. Đó là 1 nữ sinh mới 18 tuổi, hoàn cảnh đáng thương. Khoảng 11 giờ 30 ngày 23/1, sau khi tan học, em N.V.H. sinh năm 2006 đi xe máy 34AC-045.81 chở theo em D.T.H.Y. cũng sinh năm 2006, cùng ở phường Hiệp An (Kinh Môn) về trên quốc lộ 17B theo hướng Kinh Môn ra quốc lộ 5. Khi đi đến km8+100 quốc lộ 17B thuộc địa phận phường Hiệp Sơn (Kinh Môn), xe máy va chạm với ô tô đầu kéo đang di chuyển cùng chiều. Vụ tai nạn khiến em Y. tử vong tại hiện trường, em H. bị thương, xe máy hư hỏng. Bố mẹ em Y. đã ly thân, mẹ đi nước ngoài, Y. ở với ông bà ngoại.
Trên đây chỉ là 2 trong số 32 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thị xã Kinh Môn làm 9 người chết và 31 người bị thương trong 6 tháng qua. Mặc dù không phải là địa phương xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất tỉnh nhưng thị xã Kinh Môn lại là địa phương có số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương do tai nạn giao thông tăng cao nhất tỉnh.
Theo Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an thị xã Kinh Môn, tai nạn giao thông xảy ra nhiều trên đường tỉnh 389. Thời điểm xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu từ 16 giờ đến 22 giờ với 17/28 vụ. Đây là thời điểm tan tầm của công nhân, học sinh, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, tầm nhìn hạn chế. Đáng chú ý là có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh (dưới 18 tuổi), chiếm tỷ lệ 39,3%, làm 4 người chết, 13 người bị thương.
Đâu là nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở Kinh Môn tăng. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do nhận thức và ý thức chấp hành tham gia giao thông còn phải kể đến hạ tầng giao thông tồn tại bất cập, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn…
Số liệu phân tích các vụ tai nạn giao thông của công an thị xã Kinh Môn trong 6 tháng năm 2024 cho thấy 43% số vụ tai nạn giao thông do lỗi không chú ý quan sát; 28% không đi đúng phần đường, làn đường; 21% vi phạm lỗi không giữ khoảng cách an toàn, chuyển hướng không nhường đường cho xe đi thẳng, không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, không làm chủ tốc độ để có thể dừng lại an toàn và 7 % số vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn…
Nhiều tuyến đường của thị xã Kinh Môn có mật độ, lưu lượng phương tiện đông nhưng mặt đường hẹp. Điển hình là tuyến đường tỉnh 389 và 389B, lòng đường của 2 tuyến này trung bình từ 6,5-10,5m nhưng lại có nhiều xe chở container lưu thông 2 chiều với mật độ phương tiện tham gia giao thông vào các giờ cao điểm rất lớn. Ông Phạm Hữu Luân ở xã Thăng Long (Kinh Môn) chia sẻ: “Tôi thường lái xe trên đường tỉnh 389. Một số vị trí trên đường 389 cong, cua, có đoạn lòng đường rất hẹp hai xe tải to tránh nhau cũng khó khăn. Có đoạn thì chạy qua khu dân cư san sát, qua trường học, có những vị trí “nút thắt cổ chai” tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, nhất là trong các tình huống tránh xe ngược chiều hoặc vượt xe”.
Ông Trương Đức Tốn, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Kinh Môn cho biết thị xã có 12,64 km quốc lộ 17B đi qua, nối quốc lộ 18 và quốc lộ 5. Có 24,4 km đường tỉnh 389 và 13,81 km đường tỉnh 389B đi qua địa bàn thị xã. Giao thông đối nội với 9 tuyến đường cấp huyện có tổng chiều dài 48,8 km.
Điều đáng nói, cả 3 tuyến giao thông đối ngoại huyết mạch của thị xã là quốc lộ 17B, đường tỉnh 389 và 389B đều là những tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt gấp nhiều lần so với lưu lượng thiết kế. Riêng đường tỉnh 389 qua thị xã Kinh Môn đi qua 9 xã, phường, trên tuyến có nhiều điểm giao cắt phức tạp, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, đặc biệt đi qua 18 trường học. Số lượng đếm xe tại đường tỉnh 389 khoảng hơn 8.000 xe quy đổi ngày đêm, vượt 2,7 lần so với lưu lượng thiết kế.
Sau khi cầu Mây, cầu Triều, cầu Dinh được xây dựng và đi vào hoạt động thì mật độ xe cơ giới lưu thông trên các tuyến đường thuộc thị xã Kinh Môn tăng lên. Nhiều lái xe ở các tỉnh khác để “né” trạm thu phí ở quốc lộ 17 B đã di chuyển từ Hải Phòng, Quảng Ninh qua cầu Mây, cầu Triều rồi qua địa bàn Kinh Môn để đi ra quốc lộ 5 khiến cho đường tỉnh 389 vốn đã hẹp lại phải “gánh” lượng lớn phương tiện tham gia giao thông.
Qua rà soát, Công an thị xã Kinh Môn kiến nghị 8 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn thị xã. Bao gồm:
Thứ nhất, tại km11+300 quốc lộ 17B tiếp giáp đường tỉnh 389 (khu vực tam giác ngã ba Vườn Đào thuộc địa phận phường Hiệp An). Đây là đoạn ngã ba giao cắt giữa quốc lộ 17B và điểm cuối của đường tỉnh 389. Hai tuyến đường có kết cấu hạ tầng tương đương nhau về chiều rộng của lòng đường cũng như hệ thống vạch kẻ đường. Lối mở từ đường tỉnh 389 ra quốc lộ 17B gần như tạo thành một đường thẳng dẫn đến nhầm lẫn trong việc nhường đường tại nơi đường giao nhau tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây tai nạn giao.
Thứ hai, tại ngã ba giao nhau giữa đường tỉnh 389 và đường Thanh Niên, phường Hiệp An (cây xăng Hiệp An). Tuyến đường này hiện tại lưu lượng xe đầu kéo, container di chuyển từ Hải Phòng sang quốc lộ 17B và ngược lại rất nhiều và phức tạp, đi qua cổng Công ty TNHH Vietory nên có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Dọc tuyến đường tỉnh 389 (từ km13 đến km20 + 800) lòng đường rất hẹp (trung bình từ 6-7m), có đoạn chạy qua khu dân cư san sát nhau có nhiều đường nhánh che khuất tầm nhìn.
Thứ tư, đoạn đường tỉnh 389 (từ km3 – km4) thuộc địa phận xã Thăng Long. Đoạn này lòng đường hẹp, chiều rộng lòng đường 6,5 m, nối liền với cầu Mây sang huyện Kim Thành. Lưu lượng phương tiện qua lại lớn, đoạn đường lại tiếp nối chân cầu Mây tạo ra nút thắt cổ chai.
Thứ năm, tại km6+400 đường tỉnh 389 khu vực ngã ba cây xăng Quang Thành (tiếp giáp đường tỉnh 389 và 389B). Đây là nút giao thông trọng yếu nhưng không có hệ thống vòng xuyến, đèn tín hiệu giao thông, các phương tiện di chuyển với lưu lượng lớn, khuất tầm nhìn.
Thứ sáu, tại km 5 + 700 (ngã tư giữa đường dẫn cầu Triều và đường đi khu dân cư Trạm Lộ của xã Bạch Đằng) và tại km 15 + 300 đến km 17 + 500 đường tỉnh 389. Đây là đoạn đường hẹp cong, cua, tầm nhìn bị hạn chế, giao cắt với tuyến đường liên thôn, đông người và phương tiện lưu thông; không có hệ thống đèn đường chiếu sáng vào ban đêm.
Thứ bảy, tại km 13 + 110 đường tỉnh 389, thuộc địa phận xã Thất Hùng (đoạn ngã ba ao sen), vạch chỉ dẫn cho các hương tiện hướng từ chợ Lữ đi cầu Triều chưa hợp lý, cách bố trí các dải phân cách và vạch kẻ đường chưa khoa học dễ gây xung đột giao thông nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thứ tám, km 22 + 900 đường tỉnh 389 (khu vực ngã ba Phụ Sơn) hiện có nhiều phương tiện lưu thông hướng Hiệp Sơn đi đến ngã tư đèn xanh đỏ không chấp hành chỉ dẫn của vạch kẻ đường hoặc đi ngược chiều phần đường để rẽ trái vào đường gom quốc lộ 17B khu đô thị Thái Hà, gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Ý thức của người tham gia giao thông là mấu chốt
Để hạn chế tai nạn giao thông hiệu quả thì theo tôi mấu chốt vẫn là ý thức khi tham gia giao thông của mỗi người dân. Để mọi người hiểu sâu, hiểu rõ được Luật Giao thông đường bộ và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Ví dụ như thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các buổi ngoại khóa, tọa đàm tại các trường học, lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể. Ngoài ra, việc tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa bởi mạng xã hội cũng là một kênh tiếp cận nhanh và hiệu quả…
Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, chở người vượt quá quy định, đặc biệt là tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia. Đồng thời các địa phương thường xuyên giải tỏa hành lang giao thông, bảo đảm đường thông hè thoáng, tránh che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Hiện nay lưu lượng xe trên một số tuyến đường của thị xã Kinh Môn đông, trọng tải xe lớn chạy liên tục cả ngày lẫn đêm cũng khiến mặt đường nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, lòng đường còn nhỏ nên còn tình trạng xe ô tô chạy lấn làn đường, chạy xe với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Thời gian tới, Kinh Môn cũng được đầu tư một số dự án về giao thông. Tôi hy vọng, các dự án, công trình sớm được triển khai để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm áp lực cho các tuyến giao thông có mật độ phương tiện đông.
Đồng chí Hoàng Gia Lực, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành (Kinh Môn)
Cần có giải pháp để duy trì kết quả giải tỏa hành lang an toàn giao thông
Thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh thị xã Kinh Môn cùng Ban An toàn giao thông và các lực lượng tích cực tuyên truyền vận động, đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư an toàn về giao thông. Hội Cựu chiến binh các cấp của thị xã đã xây dựng 67 mô hình “đoạn đường cựu chiến binh tự quản” với chiều dài 36,4 km, vận động hội viên, phối hợp lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh trên một số tuyến đường. Đồng thời thực hiện Cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông”.
Trong mỗi đợt ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thị xã Kinh Môn, Hội Cựu chiến binh các xã, phường, thị trấn phối hợp các đơn vị liên quan, tuyên truyền nhắc nhở các hộ dân chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, không chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Việc giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đem lại vỉa hè thông thoáng và sạch đẹp hơn.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay là giữ được những kết quả sau mỗi đợt ra quân giải tỏa hành lang, vỉa hè. Bởi khi vắng bóng lực lượng chức năng tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra. Nhiều hộ dân dù được tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí giải tỏa, thu giữ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm nhưng vẫn cố tình tái lấn chiếm với lý do mưu sinh. Để xử lý triệt để việc giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, các địa phương cần thành lập các tổ công tác cấp phường để duy trì kết quả đã thực hiện.
Đồng chí Đoàn Đức Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Kinh Môn
PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tai-sao-tai-nan-giao-thong-o-kinh-mon-tang-dot-bien-387573.html