Hôm nay, ngày 18/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV sẽ tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng. Theo chương trình, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Y tế, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính; một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới… Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016, gồm những điểm mới như: Bổ sung một số điều của Luật Dược đã thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù mà Luật Dược 2016 chưa có quy định hoặc có nhưng không phù hợp đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho phép thực hiện để kịp thời giải quyết thuốc, vắcxin cho công tác phòng, điều trị bệnh trong đại dịch dịch COVID-19 vừa qua để bảo đảm khả thi, ổn định trong trường hợp phát sinh đại dịch.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược nhằm bổ sung các chính sách phù hợp, mang tính đột phá hơn so với Luật Dược 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị; đặc biệt là nghiên cứu.
Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, tăng khả năng sớm tiếp cận thuốc cho người dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn và hiệu quả cũng như phù hợp thông lệ quốc tế; tăng cường quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và phải bảo đảm tính đặc thù đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh…
Trong khi đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng;
Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bố cục của dự thảo gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều).
TB (theo TTXVN)