Sáng 18/6, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 6 (lần 5) để thảo luận, giải quyết các báo cáo, tờ trình do một số sở, ngành, địa phương báo cáo.
Phiên họp dành phần lớn thời gian thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2024. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, cần sớm được khắc phục để tỉnh tăng trưởng ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự phiên họp, bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Trong đó tập trung làm rõ vấn đề về giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, công bố giá vật liệu xây dựng… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải có cuộc họp chuyên đề về những nội dung còn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Riêng các huyện, thành phố, thị xã phải ưu tiên, tập trung triển khai các phần việc về quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp, các ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện công việc được giao cũng như tích cực đề xuất các vấn đề liên quan để tạo ra sự tăng trưởng đồng bộ giữa các lĩnh vực, địa phương.
Về thu ngân sách nhà nước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan thuế có biện pháp để không phụ thuộc vào doanh nghiệp lớn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phương án, kế hoạch thu từ đất để không tạo ra áp lực cho đầu tư công.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024 tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật. Kinh tế tăng trưởng bứt phá, đạt 10%, cao hơn kịch bản đề ra (kịch bản ước tăng 8,22%). Tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh tăng 15 bậc, đứng thứ 17 cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 7,2% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,8%. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt, tăng 41% so với cùng kỳ, hoàn thành 41% dự toán năm. Tỉnh quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh kết quả tích cực, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh còn một số hạn chế và khó khăn. Tăng trưởng kinh tế quý II/2024 chững lại, chủ yếu do tăng trưởng thấp ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, dưới mức trung bình cả nước. Số lượng doanh nghiệp mới tăng chậm, chỉ tăng 4,2%, số doanh nghiệp trở lại thị trường giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
NGUYỄN MƠ