Trong chiếc áo màu cam của nhân viên điện lực, anh Phạm Việt Thắng đã quá quen với những ngày dãi nắng dầm mưa đi khảo sát đường dây, quen với những cung đường ven rừng xanh thẳm quanh các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Trong các chuyến đi của mình, anh Thắng thường xuyên bắt gặp người dân mang bán các loại động vật quý hiếm săn bắt được trong rừng. Không đành lòng, anh bỏ tiền túi mua lại và trả về tự nhiên. Cứ thế dần dà thành thói quen, đến nay đã có 44 các thể rùa quý hiếm được anh giao lại cho Vườn quốc gia Vũ Quang.
Đầu năm 2022, người dân Nghi Xuân xôn xao khi có người rao bán khỉ vàng và trăn đất. Biết được đó là những động vật quý hiếm nên anh Nguyễn Đức Đan (huyện Nghi Xuân) đã tìm mọi cách để mua lại và bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang chăm sóc và tái thả về tự nhiên.
Anh Thắng và anh Đan, là hai trong số rất nhiều người dân đã tự bỏ tiền để mua lại động vật hoang dã bị săn bắt trái phép. Theo thống kê tính từ năm 2020, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật; tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Thành lập ngày 30/7/2002, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) nằm ở trung tâm dãy Trường Sơn, xen kẽ giữa Vườn quốc gia Pù Mát ở phía Bắc và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở phía Nam. Với diện tích hơn 57.000 ha, Vườn quốc gia Vũ Quang được xác định là khu vực sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, giữ giá trị quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học cho Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Vườn quốc gia Vũ Quang được chia thành 5 kiểu rừng theo các đai khác nhau. Trong đó ấn tượng nhất là khu vực “Rào Cỏ”, cao 2.300 m so với mực nước biển và rất ít người được tiếp cận. Khu vực này có đặc trưng “Hệ sinh thái rừng mưa rậm nhiệt đới thường xanh” và “Hệ sinh thái rừng mưa rậm thường xanh ở vùng núi thấp”, là nơi trú ngụ của hàng nghìn loài động thực vật rất có giá trị bảo tồn cả trong nước và quốc tế.
Theo thống kê, hệ động vật tại vườn có sự góp mặt của 94 loài thú, 315 loài chim, 89 loài lưỡng cư bò sát, 88 loài cá xương, 316 loài bướm … nhiều loài thuộc diện nguy cấp theo các mức độ bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt khác nhau.
Ngoài ra, vườn có 1.823 loài thuộc 202 họ thực vật bậc cao. Trong đó có 131 loài thực vật là các loài nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao cần ưu tiên bảo tồn. Với những giá trị về đa dạng sinh học và tầm quan trọng trong công tác bảo tồn, năm 2019, Vườn quốc gia Vũ Quang được hội đồng AHP công nhận là “Vườn di sản Đông Nam Á”.
Về cảnh quan sinh thái, vườn có nhiều địa điểm rất đáng khám phá như khe Rào Rồng với làn nước trong xanh mát lạnh kéo dài hơn 20km; thác Thang Đày cao hơn 40m giữa đại ngàn; khe Nam Châm với nhiều tầng thác và hồ nước xanh; hồ Ngàn Trươi – một trong 3 hồ chứa lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị sinh thái, khu vực này còn ấp ôm trong mình rất nhiều những giá trị lịch sử về cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của nghĩa quân Phan Đình Phùng vào cuối thế kỷ thứ XIX với những dấu tích, thành lũy và miếu thờ. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn thu hút các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.
Tại tuyến du lịch hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang – Thành cụ Phan, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động như đi thuyền ngắm cảnh, tắm thác hoặc đi bộ khám phá rừng nguyên sinh trong khu vực.
Nhờ sự chung tay góp sức của chính quyền, ban quản lý rừng quốc gia cũng như người dân, Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn giữ nguyên vẹn được sự hoang sơ với khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp.
Ông Nguyễn Danh Kỳ – Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết: “Nếu được đầu tư phát triển bài bản, Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương khám phá các tour du lịch sinh thái, cho các em học sinh, sinh viên được giáo dục về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thông qua các trải nghiệm thực tế.
Các hoạt động này có ý nghĩa rất lớn trong việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vũ Quang nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, góp phần đưa địa phương phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân bản địa.”
TB (theo Vietnamnet)