Cụ thể, theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) (tối đa 20 phút).
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Sau khi nghe ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2012) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương.
Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: chưa kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ; nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 với mục tiêu thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ.
Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011.
Buổi chiều, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Luật Cảnh vệ năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng dự án luật đảm bảo quy trình và đã được các bộ, ban, ngành, Chính phủ đồng thuận cao. Đến nay, dự án luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định, Chính phủ nhất trí trình Quốc hội. Dự án luật gồm 2 điều. Điều 1 sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ; Điều 2 là hiệu lực thi hành.
Còn Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Đó là: Về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều, trong đó: Chương I quy định chung (17 điều); Chương II quy định về quản lý, sử dụng vũ khí (15 điều); Chương III quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ (11 điều); Chương IV quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (6 điều); Chương V quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ (11 điều); Chương VI quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (09 điều); Chương VII quy định về quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (3 điều); Chương VIII quy định về điều khoản thi hành (2 điều).
T.H (theo báo Tin tức)