Chiều 22/5, Ngân hàng Nhà nước thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào 9 giờ 30 sáng ngày 23/5.
Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng vẫn dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng 1 lô là 100 lượng.
Tại lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thấu là 40 lô (4.000 lượng).
Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Các chuyên gia kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và việc tăng cường giám sát, thị trường vàng sẽ đi vào thế ổn định và có thể giúp giảm bớt các biến động không cần thiết.
Ngày 21/5, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thành công 79 lô tương đương 7.900 lượng vàng với 9 thành viên trúng thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 89,42 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 89,42 triệu đồng/lượng.
Từ 19/4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 8 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 5 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 35.100 lượng vàng.
Về lý thuyết, việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó giúp “hạ nhiệt” giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về dài hạn, việc độc quyền vàng miếng cần được xóa bỏ.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cùng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã lập đoàn thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
TN (theo Vietnam+)