Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong số 58 cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập, có 6 người thuộc các đơn vị Ngân hàng nhà nước trung ương; 34 người ở chi nhánh cơ quan này tại địa phương.
Ngoài ra, cán bộ trong đợt xác minh tài sản, thu nhập lần này còn có 18 người thuộc các ngân hàng thương mại. Trong đó, một người tại VietinBank, 4 người ở OceanBank và 13 tại AgriBank.
Việc xác định 58 cán bộ tại các đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập được nhà chức trách thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên. Tài sản, thu nhập của số cán bộ này được Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định Luật Phòng chống tham nhũng. Việc này nhằm đánh giá và ngăn ngừa, xử lý việc kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực của cán bộ trong diện xác minh lần này.
Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, gồm cán bộ, công chức; sĩ quan công an, quân đội, quân nhân chuyên nghiệp. Cấp phó phòng trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước, người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cũng nằm trong diện phải xác minh thu nhập, tài sản.
Các tài sản, thu nhập kê khai, gồm quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, nhà. Họ cũng phải kê khai tiền, đá quý, giấy tờ có giá trị từ 50 triệu đồng, cũng như tài sản và tài khoản ở nước ngoài.
Trường hợp người kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực, sẽ bị xử lý. Cán bộ thuộc diện kê khai nhưng có hành động tẩu tán, che giấu tài sản và không nộp bản kê khai sau hai lần được đôn đốc, sẽ bị cảnh báo, hạ bậc lương, giáng chức hay thôi việc.
Thời gian qua, một số cán bộ bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực. Gần nhất, tháng 10/2023, Trung ương cách tất cả chức vụ trong Đảng với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ do vi phạm trong kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Ông Thọ cũng giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
NH (theo VnExpress)