Giá vé máy bay nội địa tăng cao chót vót trong thời gian gần đây tạo ra bức xúc với nhiều người đi máy bay và với cả một số điểm đến du lịch.
Nhiều người dự định đi du lịch bằng máy bay đã đổi phương án sang đi đường bộ và các điểm đến du lịch cũng than vãn giảm khách do giá vé máy bay cao.
Sân bay bất ngờ vắng khách
Không chỉ cao điểm mà ngày thường giá vé nội địa rất cao, thậm chí cao hơn so với giá vé máy bay đi quốc tế. Đơn cử như chặng bay Hà Nội – Phú Quốc giá vé máy bay lên tới 7 – 9 triệu đồng, ngang với tour trọn gói đi du lịch 5 ngày 4 đêm tại Thái Lan.
Khảo sát giá vé trên website của các hãng bay trong thời gian đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2024 cho thấy nhiều chặng bay nội địa giá điều chỉnh liên tục, cao điểm dịp 30-4 giá cao hơn 1,5 lần so với ngày thường.
Ví dụ chặng Hà Nội – Quy Nhơn, giá vé máy bay khứ hồi đi các ngày 27 đến 30-4 là 5 triệu đồng, cao hơn 600.000 đồng so với một tháng trước cao điểm và cao hơn 2 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm.
Chặng Hà Nội – Phú Quốc, giá phổ thông khứ hồi lên đến 7 – 8 triệu đồng, có chuyến lên đến 12 triệu đồng, cao hơn 2 – 3 triệu đồng so với ngày thường.
Việc giá vé máy bay quá cao đã tác động ngay tới lượng hành khách du lịch trong những ngày nghỉ lễ vừa qua.
Trái ngược với kỳ vọng sân bay nườm nượp khách trong ngày lễ 30-4, sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ vắng khách. Tân Sơn Nhất đã thống kê sáu ngày cao điểm lễ cho thấy khách nội địa sụt giảm, trong khi khách quốc tế tăng.
Trong sáu ngày lễ, tổng số chuyến bay thực hiện là 3.961; trung bình 660 chuyến/ngày, giảm 8,8% so với năm 2023 và so với năm 2019 (trước dịch COVID) giảm 10%.
Tổng số hành khách đi – đến sân bay Tân Sơn Nhất 652.831 lượt trong đợt cao điểm lễ 30-4; trung bình hơn 108.000 lượt/ngày, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 9,6% so với năm 2019.
Giá vé máy bay cao cản trở hồi phục du lịch
Ngay khi số lượt khách dịp lễ 30/4 và 1/5 được thống kê ở nhiều địa phương bị “bốc hơi” so với năm trước, mọi chú ý đã dồn vào hai lý do: giá vé máy bay tăng cao và thời tiết nắng nóng.
Với thời tiết nắng nóng thì nhiều người cho biết “ở đâu cũng nắng”, giá vé máy bay mới là lý do điều chỉnh hành vi đi du lịch của du khách.
Giám đốc tiếp thị một doanh nghiệp cho biết ngay khi có thông tin tăng trần giá vé máy bay từ 1-3, nhiều du khách đến công ty chỉ hỏi tư vấn tour ngoại hoặc tour đường bộ, dù tư vấn hãy chọn vé sáng sớm hay bay muộn thì du khách vẫn cho rằng mức đó còn cao.
“Với diễn biến hiện nay, chúng tôi đang xây dựng phương án giá tour hè sắp tới với giá vé dự trù sẽ còn tăng cao hơn”, vị này cho biết.
Cũng theo vị này, thực tế giá vé máy bay đang cản trở sự hồi phục du lịch của nhiều điểm đến như Côn Đảo, Phú Quốc. Rà soát hay thanh tra chỉ là biện pháp hành chính của cơ quan quản lý, giá vé còn phụ thuộc vào năng lực cung ứng của doanh nghiệp hàng không, chính sách giá…
Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Du lịch Việt, cho biết khảo sát của doanh nghiệp từ dịp lễ vừa qua cho thấy khách du lịch lo ngại về tài chính, thể hiện rõ qua việc đặt dịch vụ cho các chuyến đi. Mặc dù nhu cầu du khách dịp lễ tăng, các tuyến tour đi bằng máy bay có sử dụng vé series, dạng vé đặt trước không tăng thêm.
Ngược lại, số tour đi bằng xe lại tăng đáng kể. Như doanh nghiệp này có thêm gần 600 khách là các nhóm gia đình, các doanh nghiệp… và tập trung vào các tuyến tour Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn, hồ Tà Đùng….
Ông Phước Đặng, Công ty nghiên cứu dữ liệu du lịch Outbox Company, cho rằng những kỳ nghỉ ngắn như dịp 30-4 phản ánh rõ xu hướng khách là đi gần trong vòng bán kính 100km quanh TP Hồ Chí Minh, hay với khoảng cách từ 300 – 400km thì cân nhắc đi Nha Trang, Quy Nhơn…
Các điểm đi bằng đường bay khó đông đúc nhưng vắng như Phú Quốc năm nay thì cũng cần đánh giá lại các nguyên nhân, trong đó có giá vé máy bay.
Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Vietluxtour, cũng cho biết các doanh nghiệp lữ hành đều lo lắng vé máy bay tăng cao làm hạ nhiệt cao điểm du lịch. Có thể nói du lịch đường bộ đã cứu thị trường du lịch dịp lễ vừa qua.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, một trong những tour du lịch nước ngoài mà hãng đang bán thành công hiện nay là tour đi Thái Lan với giá 5,5 triệu đồng với tỉ lệ lấp đầy đạt 100% cho kế hoạch năm 2024.
“Chúng tôi phối hợp cùng Vietravel Airlines triển khai 54 chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter flight) có lịch trình khởi hành đều đặn vào mỗi tuần, mức giá cực kỳ ưu đãi chỉ từ 5,6 triệu đồng.
Vì sao có được mức giá này? Đó là kết quả sự hợp tác chủ động từ các bên hàng không, điểm đến và công ty tổ chức tour với nhạc trưởng là tổng cục du lịch nước đó. Nhưng với tour trong nước, không dễ làm được điều này”, bà Phương Hoàng thừa nhận.
Cần làm rõ cơ cấu và loại vé
Anh Nguyễn Kiệt (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) băn khoăn dải vé của các hãng bay mở bán có vấn đề. Ở giai đoạn cao điểm, gần như các hạng vé dịch vụ cơ bản (không bao gồm hành lý, dịch vụ tăng thêm) có giá rẻ hơn các hạng vé khác thường trong tình trạng “hết vé”. Cùng một chuyến bay, hãng công bố có
12-15 dải vé, thực tế dải vé rẻ gần như hết rất sớm, còn lại vé giá cao. “Cơ quan nào kiểm soát dải vé này, cần công bố hoặc thông tin cách nào đó để khách rõ hơn” – anh Kiệt nói.
“Quá vô lý khi mà giá vé quốc nội cao hơn quốc tế. Cứ đến lễ hay cao điểm đi lại giá vé máy bay đều đội giá chịu không nổi” – chị Quỳnh Trân, nhân viên của một công ty xây dựng tại TP Hồ Chí Minh, nói.
Trước bức xúc của người dân và doanh nghiệp du lịch, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đã vào cuộc thanh tra các hãng bay về bán vé máy bay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận hiện nay giá vé cao hay vẫn bán đúng khung giá quy định đang được dư luận và người dân quan tâm, cần cơ quan chức năng làm rõ. Ngoài cơ cấu chi phí cấu thành giá vé, đề nghị cần làm rõ công tác bán vé của các hãng. “Có hay không dải vé rẻ mở ra với tỉ lệ nhất định trên chuyến bay được ưu tiên cho đại lý cấp 1 hoặc mở bán nhỏ giọt, ghim vé giá cao” – vị này nói.
Trong khi đó, các hãng bay khẳng định giá vé theo cung cầu và mức giá mở bán đúng quy định. Giá vé trên một chuyến bay sẽ có 12-15 dải vé, bán giá từ thấp tới cao. Mua xa ngày bay giá rẻ, gần ngày bay giá cao dựa theo quy luật cung cầu.
Không chỉ dịp Tết mà cả cao điểm lễ 30/4 hoặc dịp hè, nhiều chặng bay vẫn có tình trạng bay lệch đầu, tức một chiều bay ít khách, chiều ngược lại đông khách.
Hãng phải chịu lỗ ở chiều bay ít khách để bay đến phục vụ chuyến bay đông khách, từ đó xây dựng giá vé đảm bảo quyền lợi lẫn khách và hãng bay.
Một lãnh đạo hãng bay phân trần khoảng cách tương đương nhưng vé máy bay quốc tế rẻ hơn nội địa là có lý do về cung cầu. Bởi vì chặng bay quốc tế có nhiều hãng cạnh tranh, lịch bay theo từng mùa, neo mức giá cao sẽ mất khách vào hãng bay quốc tế, không bay sẽ mất slot (lượt cất hạ cánh).
Tuy nhiên, hiện nay trong nội địa, khi cung không đủ cầu, giá đầu vào tăng cao, tất yếu các hãng sẽ phải đẩy giá cao, không còn các dải vé giá thấp. Số lượng vé máy bay giá rẻ sẽ ngày càng khan hiếm.
“Vé máy bay tăng cao là do cung cầu. Một sản phẩm khi có nhiều người mua, giá sẽ tăng” – vị lãnh đạo này giải thích.
Các hãng hàng không lời lớn do đâu?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 27.964 tỉ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không chiếm 22.551 tỉ đồng, tăng 20%.
Trong quý này, Vietnam Airlines ghi nhận khoản “thu nhập khác” với 3.634 tỉ đồng, từ việc Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.
Nhờ vậy lãi ròng hợp nhất Vietnam Airlines đạt 4.441 tỉ đồng, chấm dứt 16 quý lỗ liên tiếp từ khi COVID-19 ập đến.
Vietjet Air (VJC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1-2024 với doanh thu hợp nhất đạt 17.791 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp của VJC đã cải thiện từ mức 1.062 tỉ đồng cùng kỳ lên 1.745 tỉ đồng quý 1 năm nay. Lợi nhuận sau thuế của VJC đạt 540 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Vietravel Airlines cũng vượt mục tiêu đề ra với doanh thu tháng 3 đạt 172,3 tỉ đồng, tăng hơn 54% so với kế hoạch. Như vậy, lần đầu tiên sau hơn ba năm đi vào khai thác, Vietravel Airlines có lãi ba tháng liên tiếp đem lại kết quả kinh doanh quý 1-2024 với doanh thu đạt 491,2 tỉ đồng, tăng gần 42% và lãi ròng đạt 10,1 tỉ đồng.
H.A (theo Tuổi trẻ)