Ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024 để đánh giá về hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban, Ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới, trong đó tập trung thảo luận với tinh thần không tô hồng nhưng cũng không bôi đen, tạo khí thế phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp.
Trong số đó, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được trên các lĩnh vực; nêu những cách làm hay, sáng tạo, đột phá và có hiệu quả trong thực tiễn để tiếp tục phát huy, nhân rộng; những việc gì làm chưa tốt; nguyên nhân; những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn lớn của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh việc xác định vai trò, trách nhiệm cá nhân và công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thời gian tới để đề ra và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5 và thời gian tới.
Trong số đó, phân tích bối cảnh, tình hình tháng 5 và thời gian tới có điểm gì mới, khác so với những tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; giải pháp mới, đột phá, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, phát triển các loại thị trường, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; bảo đảm quốc phòng, an ninh; thúc đẩy đối ngoại…, đặc biệt là nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương và Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đồng thời ứng phó với các vấn đề nảy sinh như hạn hán, bão lũ.
Phiên họp đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng, một số lĩnh vực cải thiện rõ rệt hơn so với tháng 3 và quý 1.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,07% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ, bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 04 tháng đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, ước 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 1,81% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% và vốn FDI thực hiện ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ; nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu mong muốn hợp tác đầu tư quy mô lớn vào các ngành điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.
Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 4 tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 54/63 địa phương.
Lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 58,2% so với cùng kỳ; tính chung 04 tháng đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 4, có hơn 15.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 55% so với tháng 3; có hơn 29.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng lên 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ.
Cả nước tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án, công việc tồn đọng. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được đẩy mạnh; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động 1/5; tích cực chuẩn bị tốt việc tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Công tác an sinh xã hội, việc làm và sinh kế cho người dân được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được chú trọng. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, hiệu quả; tập trung thúc đẩy việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
T.H (theo Vietnam+)