Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng
Trong trí nhớ của ông Trần Quốc Vinh (91 tuổi) ở phường Trần Phú (TP Hải Dương), ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ không còn nguyên vẹn. Tuổi cao, sức khỏe ngày một yếu đi, thế nhưng ông vẫn nhớ điều đáng nhớ. Những kỷ niệm xương máu khắc cốt ghi tâm đã theo ông cả một đời và trở thành những câu chuyện ý nghĩa giáo dục cháu con.
Ngày đó thanh niên Trần Quốc Vinh 19 tuổi đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, hành quân lên Điện Biên Phủ cùng hàng trăm đồng đội ở Hải Dương. Lúc đó, chàng thanh niên trẻ chưa kịp báo với gia đình là sẽ tham gia chiến dịch, khi đi chỉ vội mang theo một bộ quần áo. Trong đêm tối, ngọn lửa cách mạng và khí thế hừng hực của quân và dân đã truyền lửa cho chàng trai trẻ tuổi ấy. Ông cùng đồng đội bạt núi, băng rừng, bộ hành qua những con đường, ngọn núi, đồi hiểm trở để về Điện Biên.
Khi đến nơi, ông được giao làm chiến sĩ vệ binh bảo vệ Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Với dáng người nhỏ bé, lanh lẹ, ông đã bảo vệ an toàn cho cán bộ dù tận mắt chứng kiến đồng đội ngã xuống… Rồi có cả đại đội khi chiến thắng chỉ còn vài người. Đau lòng là thế nhưng trong thời khắc ấy, không một ai biết sợ, không một ai biết sờn lòng, chùn bước mà dâng đầy lòng căm thù, quyết tâm đánh giặc.
Cũng năm tháng đó, thanh niên Lã Minh Phong (năm nay 89 tuổi) ở xã Thái Tân (Nam Sách) không do dự mà đi theo bộ đội hành quân lên Điện Biên Phủ dù biết đi lần này “9 phần chết, 1 phần sống”. “Lúc đó không màng gì sống chết, đi góp công sức mình vào đánh giặc, cả nước cùng đánh giặc, cái chết dù có đến cũng tựa lông hồng”, ông Phong nói.
Vừa nắm tay cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách, ông Phong nhắc lại những hy sinh anh dũng của đồng đội. Mỗi khi đến đoạn chết chóc, ông lại bấm chặt tay cán bộ hội xúc động. Ông nói: “Hy sinh nhiều vô kể. Sau mỗi trận bom phải huy động người đi chôn cất. Vì thế nhiều đồng đội không có tên, giờ thành vô danh, không biết quê quán, tên tuổi để đưa về, ác liệt lắm”. Những lá thư viết vội chưa kịp gửi về cho gia đình mãi mãi được cất trong ngực áo đi theo hàng trăm chiến sĩ vào lòng đất. Đôi mắt ông ngấn lệ, trên ngực trĩu nặng những huân, huy chương trong quá trình tham gia chiến dịch, công tác…
Niềm tin còn mãi
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, có người hy sinh, người ở lại chiến trường thu gom, chôn cất thi thể đồng đội, có người về tiếp quản thủ đô rồi lại tái ngũ chiến đấu ở chiến trường miền Trung, miền Nam đánh giặc Mỹ. Thế hệ cha anh đi trước đã gìn giữ non sông từng ngày, không ngơi nghỉ, không tiếc tuổi xanh như thế.
Những người còn sống từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, kỷ vật duy nhất còn lại với họ là chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên hình tròn. Chiếc huy hiệu quý giá ấy là phần thưởng của Bác Hồ và Chính phủ tặng thưởng cán bộ, chiến sĩ quân đội đã tham gia chiến dịch. Đây là sự ghi nhận, một biểu tượng đầy tự hào đối với những cán bộ, chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến dịch. Ông Nguyễn Văn Beng (90 tuổi) ở thị trấn Thanh Hà xúc động cho biết xuyên suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ là niềm tin của chiến sĩ không bao giờ tắt. Ai cũng gạt đi nỗi niềm riêng để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. “Trong chiến thắng oai hùng, tôi tự hào vì đã góp sức nhỏ bé của mình vào chiến dịch”, ông Beng xúc động nói.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Hải Dương có 402 liệt sĩ, đều đã xác định rõ quê quán, năm nhập ngũ, thời điểm hy sinh, cấp bậc, chức vụ và còn thân nhân hoặc người thờ cúng. Số liệt sĩ trên ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, huyện Gia Lộc có nhiều người hy sinh nhất (78 liệt sĩ), tiếp đến là huyện Kim Thành (49 liệt sĩ), huyện Ninh Giang (47 liệt sĩ), Thanh Miện (44 liệt sĩ), Nam Sách (31 liệt sĩ)… Hầu hết các liệt sĩ đều hy sinh năm 1954, tại các vị trí xảy ra những cuộc đụng độ quyết liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp như đồi A1, sân bay Điện Biên, đồi Độc Lập, Hồng Cúm, Mường Thanh, đồi A2, đồi Xám Nấm… Toàn tỉnh hiện còn 471 thương binh, bệnh binh, quân nhân trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người cao tuổi nhất hiện đã 107 tuổi.
MINH NGUYÊN