Đợt tiến công thứ ba của Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 1 đến 7/5/1954. Nhiệm vụ của đợt này là đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía Đông, trọng tâm là phải chiếm cho được đồi A1, tiêu diệt một số cứ điểm ở phía Tây, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực của địch, phát triển sâu hơn nữa trận địa tiến công và bao vây, phát huy tất cả mọi hỏa lực bắn phá khu vực trung tâm của địch, uy hiếp vùng trời còn lại của chúng, chuẩn bị chuyển sang tổng công kích.
Công tác chuẩn bị được tiến hành rất chu đáo
Đợt tiến công thứ ba bắt đầu trong điều kiện tình hình quân địch đã trở nên trầm trọng.
Những ngày cuối tháng 4, mỗi ngày địch huy động hơn một trăm máy bay đổ lương thực, đạn dược xuống Mường Thanh. Nhưng chúng chỉ nhận được khoảng một nửa, do máy bay của chúng phải bay cao thả dù để tránh cao xạ tầm trung của ta, khu vực thả dù lại quá hẹp, nên một phần ba đồ tiếp tế rơi xuống trận địa ta, một số không ít rơi xuống bãi mìn và những khu vực bị hỏa lực ta kiểm soát chặt nên địch không thể thu lượm.
Langlais và Bigeard cũng đã điều chỉnh, củng cố lại tổ chức phòng ngự ở khu trung tâm; điều những đơn vị khá nhất và những chỉ huy được tin cậy nhất còn lại của tập đoàn cứ điểm tăng cường cho trung tâm đề kháng Êlian… nhưng những đơn vị này đều bị tổn thất nhiều, đội hình chắp vá.
Về phía ta, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba đã tiến hành rất chu đáo.
Các chiến hào được củng cố tới mức bộ đội có thể di chuyển ban ngày ngay gần quân địch, cho phép các đơn vị mỗi khi tiến đánh một vị trí, nhanh chóng bỏ qua giai đoạn đột phá tiền duyên. Cán bộ, chiến sỹ thuộc địa hình cứ điểm mục tiêu như những đồn đã diễn tập nhiều lần.
Các chiến sỹ được điều trị khỏi vết thương, chiến sĩ mới nô nức về đơn vị để được có mặt trong đợt tiến công cuối cùng.
Tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội rất cao. Đợt học tập chính trị đã mang lại cho mọi người niềm tin vững chắc ở thắng lợi.
Các khó khăn về cung cấp được khắc phục. Trong Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rõ: “Chưa lúc nào kho của mặt trận đầy đủ, sung túc thóc gạo bằng thời kỳ này. Vào cuối tháng 4, hậu cần đã có dự trữ cho tháng 5. Về đạn cho lựu pháo, ngoài 5.000 viên lấy được của địch, hơn 400 viên đạn chiến lợi phẩm thu được ở Trung Lào đã được ngành hậu cần chuyển tới nơi. Bạn cũng chuyển cho ta hai dàn hỏa tiễn sáu nòng. Vì số lượng đạn không có nhiều, nên đây sẽ là một bất ngờ dành cho quân địch vào những ngày tiến công cuối cùng. Sau đợt 2 chiến dịch, chỉ trong mười ngày ta đã xây dựng xong một tiểu đoàn ĐKZ 75 và một tiểu đoàn H6 (hỏa tiễn) do trung đoàn 676 phụ trách, kịp thời bổ sung cho mặt trận.
Trung đoàn 9 của 304, lên Tây Bắc từ trung tuần tháng 3 làm xong công tác tiễu phỉ, đã nhanh chóng tới Điện Biên Phủ. 304 (thiếu một trung đoàn) với các đồng chí Lê Chưởng, chính ủy, Nam Long, tham mưu trưởng, là đại đoàn cuối cùng có mặt trong đội hình chiến dịch.”
Nhiệm vụ cụ thể của các đại đoàn trong Đợt tiến công thứ ba
– Đại đoàn 316 tiêu diệt điểm cao C1, giữ vững trận địa đó; đồng thời đánh lấn C2 để phối hợp với trận đánh C1; có điều kiện thuận lợi thì phát triển tiêu diệt toàn bộ C2; chuẩn bị đầy đủ để đánh chiếm những lô cốt quan trọng của địch trong vị trí A1 và chiếm giữ những lô cốt đó.
– Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm 505, 505A. Dùng hoả lực và một đơn vị nhỏ phối hợp với đại đoàn 316 chặn viện, trong lúc 316 tiêu diệt C1. Chuẩn bị và tiêu diệt vị trí 204.
– Đại đoàn 308 tiếp tục chuẩn bị và tiêu diệt cứ điểm 311B, đồng thời đánh lấn vị trí 310.
– Trung đoàn 57 đại đoàn 304 có nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch và đánh lấn vào khu C (Hồng Cúm), nếu có điều kiện thì tiêu diệt địch. Chuẩn bị một tiểu đoàn vận động sang hướng Thượng Lào tác chiến khi có lệnh.
– Đại đoàn 351 ngoài nhiệm vụ thường xuyên, có nhiệm vụ phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích.
Trong lúc tiêu diệt A1 và đánh lấn C2 các đơn vị phải chuẩn bị lực lượng và kế hoạch để có điều kiện thuận lợi thì phát triển tiêu diệt C2, tiếp tục phát triển đánh chiếm các cứ điểm của địch còn lại phía đông sông Nậm Rốm.
Ngay trong đêm mở màn quân ta đã chiếm được 4 vị trí quan trọng
Được chuẩn bị kỹ lưỡng nên ngay trong ngày mở màn đợt tiến công, quân ta dũng mãnh tiến công địch.
Trưa 1/5, tất cả các cỡ pháo của ta nhả đạn vào nhiều khu vực của tập đoàn cứ điểm. Lần này cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị kiềm chế, tê liệt. Một kho đạn với 3.000 viên đạn dự trữ của địch nổ tung. Kho lương thực thực phẩm bốc cháy. Đợt pháo kích kéo dài gần một giờ đồng hồ. Dứt tiếng pháo, các đơn vị đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí.
Ngay trong đêm mở màn Đợt 3, Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1. Thừa thắng, quân ta đẩy mạnh vây lấn và chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm C2, đồng thời củng cố trận địa dã chiến, sẵn sàng đập tan các cuộc phản kích của địch.
Cũng trong đêm đó, trên bờ phía Đông sông Nậm Rốm, Trung đoàn 209 Đại đoàn 316 tiến công tiêu diệt nhanh chóng hai cứ điểm 505 và 505A.
Ở phía Tây, vị trí 311 A của địch cũng bị tiêu diệt gọn.
Ở phân khu Nam, quân ta tiêu diệt một bộ phận quân địch đóng ở phía Đông bắc Hồng Cúm.
Như vậy là ngay đêm đầu tiên của Đợt 3, địch đã mất thêm 4 cứ điểm C1, 505, 505A ở phía Đông và 311 A ở phía Tây.
TB (theo TTXVN)