Ấn tượng
Đúng 19 giờ ngày 22/4, các chiến sĩ mới của Trung đoàn Bộ binh 125 ở TP Chí Linh có mặt đông đủ tại sân của đơn vị để xem phim tư liệu “A1-Bùn, Máu và Hoa” do Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) sản xuất. Ai cũng háo hức, bồi hồi khi lần đầu tiên được xem những thước phim lịch sử cùng với những người đồng chí, đồng đội.
Bộ phim “A1-Bùn, Máu và Hoa” tái hiện sự hy sinh gian khổ và chiến thắng hào hùng của quân và dân ta trong trận đồi A1-một trong những trận đánh ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua câu chuyện cảm động của các nhân chứng lịch sử. Đồi A1 được coi là “cuống họng”, “chìa khóa sống” bảo vệ phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Giống như tên gọi của bộ phim “A1-Bùn, Máu và Hoa”, để tấn công cứ điểm này, trong suốt 39 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, giành từng tấc đất, từng mét chiến hào. Hình ảnh các anh nuôi nắm phần cơm cho chiến sĩ, đoàn quân xe đạp thồ hay trận đánh quyết định với khối bộc phá gần 1.000 kg dưới đồi A1… đều được tái hiện chân thực, chạm đến cảm xúc mỗi cán bộ, chiến sĩ khi xem.
Những gương mặt chiến sĩ tập trung vào màn hình chăm chú theo dõi nội dung phim, rồi những nét mặt ấy cũng thay đổi theo từng trường đoạn của phim. Hân hoan với chiến thắng của bộ đội ta, chạnh buồn với những mất mát, hy sinh… Chiến sĩ Đỗ Minh Chiến, Đại Đội 2, Tiểu đoàn 2 xúc động chia sẻ: “Tôi ấn tượng và cảm phục về những câu chuyện, kỳ tích mà ông cha ta đã ghi dấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ có những thước phim lịch sử quý giá này, tôi càng hiểu rõ hơn về trận đánh oanh liệt trên đồi A1, sự hy sinh của thế hệ cha anh, để từ đó bản thân có thêm động lực phấn đấu, xứng đáng là người lính bộ đội Cụ Hồ”.
Ấn tượng sâu đậm đối với các chiến sĩ ở Trung đoàn Bộ binh 125 là lời kể của các nhân chứng lịch sử về sự khốc liệt của cuộc chiến này. Trong phim, Đại tá Vũ Đình Hòe, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, người đã trực tiếp chiến đấu trên đồi A1 đã nghẹn ngào kể lại: “Lúc đó không thấy sợ gì cả, chỉ muốn chiến đấu, chiến thắng thật nhanh để về chôn cất cho anh em”. Còn nhà giáo Đỗ Ca Sơn thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 thì xót xa kể: “Chôn khác với vùi, vùi chỉ là đặt xuống mà không có gì cuốn lại. Hai bàn tay tôi đã vùi gần 100 anh em trên chiến trường này. Còn bao anh em khác đã hòa vào với đất, thịt trộn bùn non”.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 125 cho biết hoạt động cho chiến sĩ xem thước phim lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa chính trị sâu sắc, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là hoạt động nhằm cổ vũ, động viên các chiến sĩ vừa mới nhập ngũ vào học tập, huấn luyện tại đơn vị, giúp cho mỗi chiến sĩ hiểu rõ hơn về truyền thống và lịch sử của dân tộc.
Hằng tháng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đều tổ chức chiếu phim cho các cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong tháng 4 này, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) tổ chức chiếu phim về chủ đề lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung đoàn Bộ binh 125 và Lữ đoàn 214. Tối 23/4, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ xem chương trình truyền hình trực tiếp “Điện Biên Phủ-núi vọng sông rền” do Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội sản xuất.
Thượng tá Nguyễn Trọng Cảng, Phó Chủ nhiệm chính trị (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) cho biết xem phim màn ảnh rộng vẫn có những nét hấp dẫn riêng. Hoạt động này ở các đơn vị diễn ra tập trung, ngoài trời vào buổi tối nên càng tạo được không khí hào hứng sôi nổi, tạo sự cộng hưởng và có sức lan tỏa lớn hơn nên ý nghĩa giáo dục của những bộ phim được chiếu càng sâu sắc.
Cùng với ý nghĩa tôn vinh, tri ân công lao, cống hiến của quân và dân ta trong Chiến thắng Điện Biên Phủ, hoạt động chiếu phim góp phần giáo dục, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh về truyền thống yêu nước, ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.
NGHĨA AN