Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng sẽ bắt đầu vào 10 giờ thứ 2 tuần tới (ngày 22/4) tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Việc này nhằm tăng cung cho thị trường trong bối cảnh giá tăng vọt, chênh lệch giữa trong nước và thế giới 12-13 triệu đồng mỗi lượng.
Khối lượng dự kiến đấu thầu tuần tới là 16.800 lượng, mỗi lô giao dịch là 100 lượng và tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng mỗi lượng và bước giá là 10.000 đồng.
Vàng miếng SJC chốt phiên giao dịch chiều 19/4 ở mức 81,8 – 83,8 triệu đồng một lượng chiều mua vào – bán ra. Như vậy, so với giá giao dịch của thị trường, giá sàn cơ quan điều hành đưa ra thấp hơn khoảng 2 triệu đồng, tức 2,4%.
Theo nhà điều hành, mỗi doanh nghiệp được phép đặt thầu 1.400-2.000 lượng, tương đương 14-20 lô. Họ chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu, bằng hoặc cao hơn giá sàn.
Về cơ bản, đấu thầu này là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước xác định đối tác, giá và khối lượng. Sau đó, các đơn vị tham gia đưa ra mức dự thầu. Hiện, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia dự phiên thầu vào tuần tới.
Ngân hàng Nhà nước lưu ý trong trường hợp không mua được kim loại quý từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung, kết quả sẽ bị hủy.
Giá vàng thế giới gần đây liên tục phá đỉnh, kéo theo đà tăng trong nước. So với thế giới, vàng miếng hiện cao hơn 12-13 triệu đồng, nhẫn 24K khoảng 7-8 triệu đồng một lượng, tùy thời điểm.
Cơ quan quản lý không công bố số liệu về lượng dự trữ vàng quốc gia. Còn theo đơn vị cung cấp dữ liệu CEIC, dự trữ này của Việt Nam tính tới tháng 11/2023 là khoảng 660 triệu USD, chiếm khoảng 0,7% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
H.A (theo VnE)