Chứng khoán khởi đầu tuần này với phiên giảm mạnh. Áp lực bán tháo tăng vọt trong nửa sau phiên chiều khiến VN-Index giảm gần 60 điểm (4,7%), về gần ngưỡng 1.200 điểm – mức giảm mạnh nhất gần hai năm qua.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index khởi đầu tuần này với những áp lực lớn đến từ tình hình thế giới, như căng thẳng Iran – Isarel gia tăng, áp lực tỷ giá tăng mạnh.
Tình hình vĩ mô trong nước có dấu hiệu khởi sắc hơn khi GDP quý I cao nhất 5 năm, nhưng các chỉ số này chưa hoàn toàn tích cực khi tăng trưởng tín dụng yếu, tỷ giá ở mức cao, những khó khăn với thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường trái phiếu, vẫn chưa có bước chuyển biến đáng kể. Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng khó lường khi địa chính trị bất ổn và tăng trưởng thấp, nhất là khu vực EU.
Ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT, cũng cho rằng “cú sập” là hệ quả khi thị trường đã có đợt tăng giá kéo dài với hiệu suất gần 13% tính từ đầu năm. “Đó là hệ quả của việc thị trường đi trước những chỉ số vĩ mô”, ông nhận định.
Theo ông, thời gian qua, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi nhưng chưa bền vững khi hai cấu thành: tiêu dùng và đầu tư tư nhân – chiếm tỷ trọng cao trong GDP – chưa tăng mạnh và vững chắc. Trong khi đó, thị trường liên tục đối mặt nhiều rủi ro, quan trọng nhất là áp lực tỷ giá.
“Khi USD liên tiếp lập đỉnh, nhà đầu tư dễ có tâm lý lo sợ Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ để can thiệp, tăng lãi suất. Khi đó sẽ gây áp lực lên thị trường chứng khoán”, ông Phương nói.
Phiên giảm điểm cũng xuất hiện lệnh MP (lệnh mua tại mức giá bán thấp nhất hoặc bán ngay lập tức tại mức giá mua cao nhất trên thị trường) ồ ạt, theo chuyên gia này, là điều dễ giải thích. Chứng khoán đã có chu kỳ tăng trưởng kéo dài với nhiều cổ phiếu tích lũy thị giá rất tốt, giúp nhiều nhà đầu tư lãi đậm. Ngay khi thị trường rung lắc, nhóm này sẵn sàng đánh đổi vài phần trăm lợi nhuận để “thoát hàng” cho bằng được vì tính chung, hiệu suất danh mục của họ vẫn ở mức cao, đạt kỳ vọng.
Tuy nhiên, dù đối diện với cản mạnh 1.300 điểm và nhiều yếu tố bất lợi, theo các nhà phân tích, phiên giảm điểm 15/4 diễn ra “khá bất thường”.
“VN-Index bất ngờ giảm điểm mạnh làm gãy nền tích lũy trung hạn và hỗ trợ 1.250, dẫn tới trạng thái vận động ngắn hạn chuyển biến xấu. Vận động giảm điểm mạnh phiên 15/4 là bất thường”, nhóm phân tích SHS nhận xét.
Để dự báo chính xác về xu hướng VN-Index trong ngắn hạn, Chuyên gia FIDT cho rằng rất khó. Ông kỳ vọng vùng hỗ trợ của chỉ số này sẽ trong khoảng 1.150-1.200 điểm với nhiều cổ phiếu được chiết khấu về mức định giá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.
“Đợt điều chỉnh lần này sẽ không tệ như đầu quý IV năm ngoái vì dù sao kinh tế đã tốt lên, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được cải thiện”, ông nêu quan điểm.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, thị trường có thể tiếp tục đà giảm vào đầu phiên và thu hẹp đà giảm vào cuối phiên. Đồng thời, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ quanh 1.200-1.210 điểm.
“Các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán, đặc biệt chỉ báo tâm lý giảm mạnh về vùng bi quan quá mức cho nên chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi trong một vài phiên tới”, nhóm phân tích đánh giá.
Chứng khoán Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở giai đoạn này, dừng bán và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.
Trong khi đó, SHS cho rằng về ngắn hạn, sau phiên bất ngờ giảm mạnh thủng ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm và gãy nền tảng tích lũy, động lực tăng ngắn hạn của thị trường đã suy giảm rất mạnh. VN-Index có nguy cơ trở lại xu hướng giảm ngắn hạn với hỗ trợ mới khoảng 1.150 điểm.
Về trung hạn, chỉ số đã rơi trở lại kênh tích lũy rộng 1.150-1.250. Thị trường có xu hướng đi ngang dài hơn nếu VN-Index vận động trong kênh tích lũy này.
“Trường hợp tích cực nhất là thị trường sớm lấy lại mốc 1.250 trong tuần này, tuy nhiên nếu VN-Index vận động trong kênh 1.150-1.250, về trung hạn vẫn là vận động tích lũy chờ thời cơ hình thành uptrend. Thị trường không có nguy cơ rơi vào chu kỳ downtrend mới”, báo cáo từ SHS viết.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân trong các phiên tới, ngay cả khi VN-Index phục hồi bởi động lực tích lũy và tăng ngắn hạn đang bị thử thách. Nhà đầu tư trung, dài hạn cũng không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại mà cần kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy lại tin cậy hơn.
Ở thời điểm gần 10 giờ sáng 16/4, các mã cổ phiếu giao dịch nhiều trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp đang hoạt động tại Hải Dương cũng ghi nhận mức giảm. APH (Tập đoàn An Phát Holdings) ghi nhận mức giảm cao nhất là 3,23%. Tiếp đến là KBC (Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc) giảm 2,09%; AAA (Công ty CP Nhựa An Phát Xanh) giảm 0,9%; HPG (Tập đoàn Hòa Phát) giảm 0,53%.
TB (theo VnExpress)