Huyện Thanh Hà có 7 trọng điểm, nhiều nhất tỉnh. Tiếp theo là Kim Thành 6 trọng điểm, Kinh Môn 4 trọng điểm, Tứ Kỳ 3 trọng điểm. Các huyện Nam Sách, Ninh Giang và TP Chí Linh mỗi nơi có 2 trọng điểm. TP Hải Dương có 1 trọng điểm.
Các trọng điểm chủ yếu là cống cũ, xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng; kè, bờ lở bị sạt, tụt có nguy cơ gây mất an toàn công trình đê điều. Một số trọng điểm được đưa vào danh sách này nhiều năm như cống Dừa A (Tứ Kỳ), xử lý đùn sủi đê Thanh Hồng (Thanh Hà), kè Hiệp Lực (Ninh Giang), bờ lở thượng lưu kè Thanh Quang (Nam Sách)…
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra các vị trí công trình đang hư hỏng, đặc biệt các vị trí bờ lở nguy hiểm. Xây dựng phương án bảo vệ để xử lý kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm an toàn công trình phòng chống thiên tai. Cắm biển cảnh báo tại các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao khi xảy ra thiên tai. Tiếp tục rà soát các khu, điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để phát hiện và có phương án xử lý kịp thời. Đầu tư xử lý các trọng điểm xung yếu về phòng chống thiên tai.
VN