Đây là chuỗi sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương các sản phẩm cà phê, trà Việt Nam, được Báo Người lao động khởi xướng từ năm 2023.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động, Trưởng ban tổ chức Lễ hội tôn vinh cà phê – trà Việt lần 2 năm 2024, cho biết, cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm khoảng 40 – 50% tổng khối lượng xuất khẩu. Ngành cà phê đóng góp gần 4% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 700.000 hộ nông dân.
Việt Nam có diện tích trồng cà phê xếp thứ 6 thế giới, nhưng đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil với kim ngạch xuất khẩu cà phê liên tục tăng. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, đến năm 2023 đạt kỷ lục hơn 4,18 tỷ USD và năm nay dự báo có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD.
Theo Tổng Cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 400.000 tấn cà phê, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng 16,4% về khối lượng, nhưng tăng tới 68% về giá trị nhờ giá bán duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong 2 tháng qua đạt 3.146 USD/tấn, tăng 44% so cùng thời điểm năm ngoái.
Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, giá cà phê trong nước dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024, do nguồn cung thiếu hụt trầm trọng trong niên vụ cà phê 2022 – 2023. Nhu cầu tiêu thụ ở thị trường lớn là EU đang rất tốt. Ngành nông nghiệp đã mạnh dạn đề ra mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi đó, năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm Việt Nam có sản lượng chè xuất khẩu thấp nhất trong 7 năm qua. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 1.737 USD/tấn, tăng hơn 7% so với năm 2022 nhưng mức giá này mới chỉ bằng 67% so giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới (giá chè xuất khẩu bình quân toàn cầu năm 2023 đạt 2.600 USD/tấn).
Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân khiến xuất khẩu chè của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu thế giới yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường chính. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam đa phần ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động trong Lễ hội Tôn vinh cà phê – trà Việt năm 2024 được tổ chức đa dạng và phong phú hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và được tiếp thị, quảng bá rộng rãi, đa kênh hơn trước; trong đó, trọng tâm của lễ hội là hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD”. Tại đây các chuyên gia, hiệp hội sẽ cùng thảo luận giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu cà phê bền vững, tạo ra nhiều giá trị hơn.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, tại chương trình Coffee Talk được tổ chức ngày 31/3, các chuyên gia sẽ chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm quý về khởi nghiệp, quản trị tài chính, bí quyết khởi sự kinh doanh với thức uống…
Lễ hội Tôn vinh cà phê – trà Việt năm 2024 sẽ diễn ra hết ngày 31/3, được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ góp phần đưa các sản phẩm cà phê, trà chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước; đồng thời, tạo bệ phóng để nâng cao vị thế của cà phê và trà Việt trên bản đồ nông sản thế giới.
T.H (theo báo Tin tức)