Hiện mức lãi suất vay qua thẻ tín dụng ngân hàng phổ biến ở mức 22-25%/năm, tương đương 1,9-2,1%/tháng. Lãi suất này được tính theo 2 trường hợp. Trường hợp 1, khách hàng sử dụng thẻ này để rút tiền trực tiếp từ hệ thống ATM, thông thường không quá 80% hạn mức cho vay được cấp (tùy thuộc quy định từng ngân hàng, từng loại thẻ tín dụng) sẽ bị tính lãi ngay khi rút tiền.
Trường hợp 2, khách hàng quẹt thẻ để mua sắm hàng hóa sẽ được hưởng thời gian miễn lãi, thường là 44 ngày, tính từ ngày chốt số liệu sao kê của ngân hàng. Ví dụ ngân hàng A chốt sao kê vào ngày 20 hằng tháng, sau đó 15 ngày sẽ đến hạn thanh toán. Tùy thuộc thời gian cụ thể của từng tháng mà ngày thanh toán khác nhau, thường là mùng 5. Giả sử khách hàng quẹt thẻ tín dụng để mua hàng hóa vào ngày 21/1 thì sẽ được hưởng thời gian miễn tính lãi đến ngày 5/3. Tuy nhiên, nếu khách hàng quẹt thẻ sử dụng trước ngày 20/1 thì chỉ được hưởng thời gian miễn lãi đến ngày 5/2.
Lưu ý, trong thời gian miễn lãi suất, nếu khách hàng trả toàn bộ khoản vay thì không phải chịu thêm bất kỳ chi phí nào khác. Nếu khách hàng chỉ trả khoản tiền tối thiểu (theo quy định cụ thể của từng ngân hàng) thì phần còn nợ sẽ bị tính lãi. Nếu khách hàng trả dưới mức tối thiểu sẽ phải chịu thêm phí phạt trả chậm. Phí phạt này thường ở mức 4-6% của phần tối thiểu còn thiếu.
Hạn mức cho vay qua thẻ tín dụng tùy thuộc hồ sơ từng khách hàng và quy định từng ngân hàng. Thông thường từ 30-70 triệu đồng/thẻ.
Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ qua thẻ tín dụng tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 700 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cuối năm 2023. Dư nợ thẻ tín dụng tập trung chủ yếu ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước. Trong đó Sacombank Hải Dương là ngân hàng có dư nợ thẻ tín dụng cao nhất với hơn 160 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng dư nợ thẻ tín dụng. Xếp thứ 2 là VIB Hải Dương với hơn 101 tỷ đồng, chiếm 14,4%. Ngân hàng Techcombank Hải Dương xếp thứ 3 với gần 100 tỷ đồng, chiếm 14%.
HÀ KIÊN