Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội dự đoán mức tăng của giá xăng RON95 có thể khoảng 500 đồng/lít; xăng E5 RON95 khoảng 400 đồng/lít.
Ngược lại, giá dầu diesel có thể giảm khoảng 300 đồng/lít.
Nguyên nhân là trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua diễn biến trái chiều, sau khi tăng đã quay đầu giảm. Trong khi đó, tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước.
Theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 28/3 có thể tăng 548 – 639 đồng/lít, lên mức 23.758 đồng/lít (E5 RON92) và 24.919 đồng/lít (RON95).
Còn giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng giảm, trong đó giá dầu diesel giảm khoảng 1,4% về mức 20.715 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm khoảng 1,3% về mức 20.982 đồng/lít.
Cũng theo dự báo, cơ quan điều hành là liên bộ Tài chính – Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Hiện giá xăng dầu bán lẻ đang được áp dụng mức điều chỉnh của kỳ điều hành giá ngày 21/3. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 729 đồng/lít, không cao hơn 23.290 đồng. Giá xăng RON95 tăng 741 đồng/lít, không cao hơn 24.284 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng tăng đồng loạt, trong đó dầu diesel tăng 465 đồng/lít, không cao hơn 21.014 đồng/lít; dầu hỏa tăng 560 đồng, không cao hơn 21.266 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 667 đồng/kg, không cao hơn 17.099 đồng/kg.
Tại kỳ này, cơ quan điều hành quyết định trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg và không trích lập quỹ với các sản phẩm còn lại.
Cơ quan quản lý cũng không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h sáng 28/3, giá dầu WTI được niêm yết ở mức 81,73 USD/thùng, tăng nhẹ 0,45%, tương đương mức tăng 0,37 USD mỗi thùng trong 24 giờ qua. Cùng lúc, giá dầu Brent được niêm yết ở mức 86,09 USD/thùng, giảm 0,19%, tương đương mức giảm 0,16 USD mỗi thùng.
Theo Reuters, đồng USD mạnh hơn khiến dầu tính bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu.
Ngoài ra, sự tăng vọt bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ cũng làm tăng thêm áp lực lên giá dầu. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng trong khi tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/3.
Liên quan đến nguồn cung, nhiều khả năng OPEC+ khó có thể thay đổi chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng đầy đủ vào tháng 6. OPEC+ trong tháng này đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 6, mặc dù Nga và Iraq đã phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng dư thừa sản lượng.
Một khảo sát của Reuters cho thấy OPEC+ đã vượt mục tiêu 190.000 thùng/ngày trong tháng 2. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các thành viên của nhóm có khả năng tuân thủ các mức cắt giảm đã thỏa thuận hay không.
H.A (theo VTC News)