TRONG NƯỚC
Sáng 16/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các chuyên gia, nhà kinh tế. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngày 16/3/2024 tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Thế, cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương dự lễ. Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. Ảnh: Danh Lam -TTXVN
Sáng 16/3/2024, tại Nghệ An, Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng – doanh nghiệp thi công dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt tiến hành lễ hợp long dầm đúc hẫng cuối cùng giữa trụ T14 và T15 nối thông cầu Hưng Đức. Cầu Hưng Đức dài 4,015 km vượt sông Lam nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là cây cầu dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc – Nam tính tới thời điểm này. Cầu có 90 nhịp, được thiết kế rộng 17,5m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 1.371,3 tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2022 do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đại Hiệp, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thái Yên, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 thi công. Trong ảnh: Cầu có 90 nhịp, được thiết kế rộng 17,5m với 4 làn xe, dải phân cách cứng ở giữa, vận tốc thiết kế 80 km/h. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, ngày 16/3/2024, Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động toàn dân thực hiện tiết kiệm điện và Giải chạy hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Hơn 1.500 vận động viên đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và người dân tham gia giải chạy. Trong ảnh: Các VĐV xuất phát. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), từ ngày 16 – 19/3, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức Hội thi “Học sinh, Sinh viên giỏi nghề” lần thứ 15 – năm 2024. Hội thi thu hút 787 thí sinh đến từ 36 trường Trung cấp, Cao đẳng, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia tranh tài ở 19 ngành nghề ở bảng A dành cho học sinh hệ 9+ đã tốt nghiệp THCS và bảng B dành cho học sinh, sinh viên hệ 12+ đã tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Các thí sinh ở bảng B trong phần thi trắc nghiệm tiếng Anh. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 15/3/2024, Nhà Trắng đã phát Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân Ngày Quốc tế chống bài trừ Hồi giáo. Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi loại bỏ thù hận và bạo lực nhằm vào người Hồi giáo, đồng thời tạo dựng một thế giới tự do tín ngưỡng và an toàn cho mọi người dân. Ông cho biết Mỹ đang nỗ lực hết sức để xây dựng một thế giới nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và mọi thành phần đều được sống tự do mà không lo bị đàn áp. Tổng thống Biden nhấn mạnh nỗi ám ảnh Hồi giáo không có chỗ đứng ở Mỹ, song không ít người Hồi giáo vẫn đang phải chịu đựng sự sợ hãi vô căn cứ, sự phân biệt đối xử trắng trợn, quấy rối và bạo lực trong cuộc sống hàng ngày. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ phát biểu tại một sự kiện ở Atlanta. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 15/3/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Berlin, Đức để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine với các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan. Hội nghị thượng đỉnh ba bên Đức – Pháp – Ba Lan, hay còn gọi là “Tam giác Weimar” được thành lập năm 1991, đã diễn ra từ ngày 15/3 – nhằm thể hiện sự đoàn kết của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine sau nhiều tuần xích mích giữa các đồng minh. Cuộc gặp này được xem là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Đức và Pháp. Từ cuối tháng 2, Pháp và Đức nảy sinh bất đồng về một số vấn đề như việc gửi binh sĩ, cung cấp tên lửa tầm xa, hỗ trợ tài chính… cho Ukraine. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bắt tay sau thông cáo báo chí trước cuộc gặp ba bên của họ tại diễn đàn tham vấn “Tam giác Weimar” ngày 15/3/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Quốc hội Croatia đã giải tán hôm 15/3 để mở đường cho cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm nay. Toàn bộ 143 trong tổng số 151 nhà lập pháp có mặt tại cuộc họp đã bỏ phiếu ủng hộ động thái này. Ngày bầu cử vẫn chưa được xác định. Thủ tướng Andrej Plenkovic đề xuất tổ chức cuộc họp trước cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào ngày 6 đến ngày 9/6. Cuộc bỏ phiếu sắp tới ở Croatia sẽ là cuộc đọ sức giữa Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) bảo thủ cầm quyền với một nhóm gồm các đảng trung dung và cánh tả đã tuyên bố sẽ tranh cử trong một liên minh. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Croatia ở Zagreb. Ảnh: Reuters/TTXVN
Các điểm bỏ phiếu ở vùng Viễn Đông của Nga đã mở cửa, bắt đầu cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Các địa điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Nga 2024 sẽ mở cửa dần dần trên toàn nước Nga vào lúc 8h ngày 15/3 (theo giờ địa phương). Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 15/3 đến ngày 17/3. Đây sẽ là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên ở Nga sau cuộc cải cách hiến pháp năm 2020, trong đó thiết lập giới hạn hai nhiệm kỳ 6 năm cho bất kỳ người nào giữ chức vụ Tổng thống Nga. Sự thay đổi này cũng khiến các nhiệm kỳ của Putin bị “vô hiệu hóa”, tạo điều kiện cho ông có cơ hội tái tranh cử. Trong ảnh: Cử tri đăng ký trước khi bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ở Vidnoye, Nga, ngày 15/3. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 16/3/2024, tờ The Times of Israel dẫn nguồn từ các hãng tin phương Tây cho biết, các nhân vật cấp cao của Hamas và lực lượng Houthi ở Yemen đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi để thảo luận về phối hợp hành động chống Israel. Trong cuộc họp, các nhóm đã thảo luận về cơ chế phối hợp hành động kháng cự trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến ở Gaza. Các nguồn tin không xác định địa điểm cuộc họp diễn ra. Các nhóm của người Palestine và Houthi cũng bàn về cuộc tấn công Rafah mà Israel đang có kế hoạch thực hiện. Trong khi đó, Houthi xác nhận họ sẽ tiếp tục tấn công các tàu thuyền trên Biển Đỏ để thể hiện tinh thần đoàn kết với người Palestine và gây áp lực với Israel. Trong ảnh: Xe quân sự diễu hành trong một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine ở thủ đô Sanaa do Houthi nắm giữ vào ngày 7/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
T.H (theo TTXVN)