Theo nhà thơ Phạm Ánh Sao, Trưởng Ban Thơ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, xã hội hóa đã giúp lan tỏa tác phẩm văn học, nghệ thuật. “Đơn cử như Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 tại Hải Dương với chủ đề “Hải Dương – Hòa âm cùng đất nước” được tổ chức thành công và thu hút nhiều người yêu thơ tham gia nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh. Ngoài ra, còn có sự tham gia của Trường Mầm non Sao Biển và 4 câu lạc bộ thơ đến từ các địa phương trong tỉnh. Các đơn vị đã bố trí địa điểm, hỗ trợ trang trí khánh tiết, âm thanh, dẫn chương trình cũng như tập luyện nhiều tiết mục thơ ca”, nhà thơ Ánh Sao lấy ví dụ.
Lĩnh vực nhiếp ảnh và mỹ thuật cũng có nhiều thành công nhờ xã hội hóa. Dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, thời gian qua, các trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã tạo được nhiều dấu ấn. Tháng 6/2023, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam tài trợ tổ chức trại sáng tác mỹ thuật tại Sa Pa (Lào Cai) cho 12 họa sĩ của hai tỉnh Hải Dương và Lào Cai. 77 tác phẩm ra đời sau trại sáng tác này. Tháng 1/2024, doanh nghiệp này cũng tài trợ cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh tham dự Triển lãm nhiếp ảnh, ảnh nghệ thuật “Tình xuân – giao lưu nhiếp ảnh Hải Dương – Lào Cai”…
Một số câu lạc bộ, nghệ sĩ là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương đã tự đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp sức tổ chức các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm. Nhiều tác giả đã vận động hỗ trợ xuất bản sách, đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc.
Nguồn lực xã hội hóa cùng sự hỗ trợ văn học, nghệ thuật của trung ương và của tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 500 lượt hội viên được tham gia các trại sáng tác do hội đứng ra tổ chức hằng năm. Nhiều tác phẩm của hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhờ đó đã nhận được các giải thưởng trong nước và quốc tế.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh còn phối hợp với Cục Truyền thông (Bộ Công an) và Nhà xuất bản Công an nhân dân triển khai các cuộc thi tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn về hình tượng “Người chiến sĩ công an nhân dân vì bình yên cuộc sống”. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các cuộc thi viết và ảnh du lịch “Đất và người Hải Dương”; “tiểu phẩm sân khấu phòng chống bạo lực gia đình”; tổ chức các triển lãm tranh cổ động, ảnh thời sự nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của tỉnh… Đáng chú ý, 4 năm liên tiếp, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Vì bình yên cuộc sống” trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương.
Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII thông qua ngày 14/1/1993 nêu rõ, quan điểm văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội. Nghị quyết này cũng là sự mở đầu cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên toàn quốc.
Theo ông Đinh Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, xã hội hóa đã giúp đánh thức tiềm năng của nhiều văn nghệ sĩ, lan tỏa sâu rộng các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, xứng tầm. Để nền văn học, nghệ thuật nói chung và một thị trường văn học nói riêng phát triển theo đúng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, cần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật, nhất là năng lực thích ứng với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
BẢO ANH