Xác định giao thông là lĩnh vực đi trước, mở đường, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua tỉnh Hải Dương đã dồn lực thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm, từng bước hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Đường trục Đông-Tây là công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Tuyến đường có chiều dài 36,6 km đi qua các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ.
Điểm đầu tuyến giao cắt với đường tỉnh 392C tại km7+470, tiếp giáp và kết nối với dự án xây dựng cầu vượt sông Chanh (do tỉnh Hưng Yên đầu tư), thuộc địa phận xã Đoàn Kết (Thanh Miện). Điểm cuối dự án giao với đường tỉnh 391 tại km24+600 thuộc địa phận xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ).
Dự án với quy mô phần đường cấp III, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Trên tuyến dự kiến xây dựng và cải tạo 6 cầu. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp chính là gói thầu số 11, 14 và 19 với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.
Được khởi công từ đầu tháng 4/2022, vượt qua những khó khăn về giải phóng mặt bằng, biến động về nguồn nguyên vật liệu, các nhà thầu đã nỗ lực thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Để dự án về đích đúng hạn, đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc, quyết tâm vượt nắng, thắng mưa, quên giá rét ngày đông. Công trường dự án luôn nhộn nhịp kể cả trong ngày nghỉ, lễ, Tết. Dự kiến tháng 4/2024, nhà thầu sẽ hoàn thành, bàn giao tuyến đường cho chủ đầu tư.
Dự án đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 khởi đầu không mấy thuận lợi khi vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài. Tuy nhiên khi khó khăn được tháo gỡ, dự án lại là điểm sáng về tiến độ thi công. Khởi công từ tháng 5/2023, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Để tạo kết nối đồng bộ với cầu Đồng Việt do tỉnh Bắc Giang đầu tư, Hải Dương triển khai làm đường dẫn cầu kết nối với quốc lộ 37 với tổng kinh phí hơn 469,8 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 5,3 km, điểm đầu tại km8+590 địa phận xã Hưng Đạo, điểm cuối giao cắt với quốc lộ 37 thuộc phường Cộng Hòa (cùng TP Chí Linh). Đường dẫn được thiết kế quy mô đường cấp II đồng bằng, nền đường rộng 22,5 m, vận tốc 80 km/giờ.
Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện giai đoạn 1 là công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Tuyến đường có chiều dài khoảng 6 km, điểm đầu giao với đường tỉnh 392 thuộc xã Nhân Quyền (Bình Giang), điểm cuối kết nối với đường trục Đông-Tây ở xã Lam Sơn (Thanh Miện). Quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng được triển khai ngoài thực địa từ tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024. Tuyến đường có vai trò rất quan trọng, giúp huyện Thanh Miện kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và trục Đông – Tây của tỉnh, hình thành trục chính liên kết các vùng huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ và tăng cường kết nối giao thông giữa tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thanh Miện và khu vực phía nam tỉnh Hải Dương.
Ngoài 3 công trình trên, Hải Dương đang triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đón đầu dòng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Bên cạnh các dự án giao thông của tỉnh thì cấp huyện cũng quan tâm, ưu tiên đầu tư công trình giao thông thúc đẩy liên kết vùng.
Kết cấu hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Khi kinh tế phát triển sẽ tạo tiền đề nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Hải Dương quyết liệt triển khai các dự án giao thông liên kết. Những cung đường mới sẽ đem đến nhiều kỳ vọng lớn về phát triển kinh tế-xã hội.
Với tầm quan trọng và tác động to lớn, các dự án giao thông luôn nhận được sự ủng hộ, đồng tình, nhất trí cao của đông đảo người dân. Ai cũng hy vọng khi đường lớn mở ra sẽ tạo cơ hội. Ông Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Đô Chàng, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) phấn khởi khi tuyến đường trục Đông-Tây qua địa phương được khẩn trương thi công, gấp rút hoàn thành. Ngoài 70 tuổi, chứng kiến sự thay đổi của quê hương, ông Dũng tin tưởng rằng thời gian tới huyện Ninh Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ khi có đường mới.
Mạng lưới giao thông là mạch máu của nền kinh tế nên các dự án giao thông luôn được ưu tiên đầu tư thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng luôn là điểm nghẽn lớn. Với đặc thù hướng tuyến nên phần lớn diện tích thu hồi không trọn thửa, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Mặc dù vậy, chính quyền các cấp tích cực vào cuộc, áp dụng linh hoạt các giải pháp tháo gỡ để sớm đưa dự án thi công ngoài thực địa. Năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã giải phóng mặt bằng hàng nghìn ha đất phục vụ thi công các dự án giao thông.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ, địa phương có đường trục Đông-Tây tỉnh đi qua cho biết: “Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của các dự án giao thông trên địa bàn, huyện luôn tích cực, đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Nhờ vậy mà việc thu hồi, bàn giao mặt bằng sạch thực hiện công trình giao thông tại địa bàn huyện tương đối thuận lợi”.
Với những dấu ấn, điểm nhấn về hạ tầng giao thông thời gian qua, Hải Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, bắt kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai nâng cấp, cải tạo quốc lộ 37 qua khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận thực hiện các dự án giao thông mang tính liên kết vùng, tạo đà tăng trưởng chung.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định hạ tầng giao thông chính là đột phá lớn của Hải Dương trong nhiệm kỳ này.
Với khối lượng công việc, nhiệm vụ về giao thông lớn và nhiều khó khăn, các cấp, các ngành đã nỗ lực, quyết tâm để đưa các dự án, công trình sớm được triển khai, xây dựng. Giao thông sẽ dẫn dắt, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển. Từ đó, tạo nguồn lực đầu tư ngược lại cho mạng lưới giao thông của tỉnh.
Nội dung: NGUYỄN MƠ – HÀ NGA
Ảnh: THÀNH CHUNG
Đồ họa: HÀ KIÊN