Hoa mai anh đào ở khu vực núi Langbiang cách nội ô Đà Lạt khoảng 15km đã bắt đầu nở. Tại đây, cụm mai anh đào do người dân đặt tên là Mộng Đào Nguyên gây chú ý nhất. Hoa ở đây nở sớm và bung mạnh so với những cây mai anh đào mọc trên sườn núi Langbiang và các đồi nhỏ lân cận.
Để đến được các cụm mai anh đào ở núi Langbiang không hề dễ dàng. Do đó, đa số du khách tìm đến là du khách trẻ, đi bằng các loại xe máy và ô tô địa hình.
Khu vực mai anh đào nở sớm nhất có thể nói đến là khu vực huyện Lạc Dương (lân cận Đà Lạt). Đây là khu vực có độ cao lớn hơn Đà Lạt và cũng là vùng có biên độ nhiệt lớn hơn cùng với nắng nhiều hơn. Chính điều này đã khiến mai anh đào ở vùng này nở sớm nhất. Nhiều du khách đã đến Đạ Sar, Đa Nhim cách Đà Lạt 20 – 30km để được chụp ảnh mới hoa.
Hiện tại Đà Lạt nắng – lạnh với biên độ nhiệt lớn, thời tiết hanh khô, rất thuận tiện để mai anh đào nở hoa đều và rực rỡ. Nhiều người dân nhìn nhận Đà Lạt sẽ có một mùa mai anh đào rực rỡ trong 10 đến 15 ngày tới. Dịp hoa nở rộ trùng ngày thời điểm cận Tết, cũng tác động tới du lịch Đà Lạt.
Ông Trần Đình Nguyên (kinh doanh khách sạn tại phường 9, Đà Lạt) cho hay: “Nhiều cơ sở lưu trú cho hay năm nay ngoài nhận lịch đặt phòng cho dịp Tết thì có đông du khách đặt phòng nghỉ cho dịp cận Tết. Du khách rất hay hỏi dịp đó hoa mai anh đào đã nở rộ chưa”.
Hiện các con đường nội ô trồng nhiều mai anh đào như Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản (hồ Xuân Hương), đường Trần Nhân Tông – Đinh Tiên Hoàng (quanh Đồi Cù Đà Lạt) đa số mai anh đào đã rụng toàn bộ lá, sắp bung nụ.
Người ta thường gọi mai anh đào là loài hoa báo Tết, bởi vào khoảng giữa tháng 1 chính là thời gian mai anh đào khoe sắc để chào xuân. Nghĩa là vào đầu mùa khô (khoảng tháng 10), mai anh đào sẽ vàng lá dần và mang những thân nhánh “trơ trọi” ngủ đông, chờ mùa xuân đến để hé nụ. Tên khoa học của mai anh đào là Prunus Cerasoides, thân cây có dáng đào mận, nhưng khi hoa nở lại thuộc hoa đơn 5 cánh (giống hoa mai). Vì vậy nên gọi mai anh đào như hiện nay.
T.H (theo Tuổi trẻ)