Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, đây là một loại vaccine mới nên nhiều người chăn nuôi vẫn còn băn khoăn về chất lượng của loại vaccine này, chưa triển khai tiêm hoặc tiêm nhưng không rõ hiệu quả phòng bệnh. Vì vậy, để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, trong thời gian tới, các cơ sở chăn nuôi từ cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:
1. Khi chưa có bệnh
– Đối với các trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
– Đối với các trang trại quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ, thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu diệt các mầm bệnh, trong đó có virus dịch tả lợn châu Phi.
Vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với công nhân chăn nuôi, phương tiện dụng cụ trong trang trại, không dùng chung các dụng cụ giữa các dãy chuồng. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm thịt từ lợn không rõ nguồn gốc.
2. Khi có bệnh xuất hiện
Thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, phường, thị trấn, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tiêu hủy toàn bộ đàn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khoanh vùng dịch để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho việc chống dịch. Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục một lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên, 2 lần/1 tuần trong 2 tuần tiếp theo. Phải dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã có lợn, sản phẩm lợn được xác định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tổ chức, cá nhân có hoạt động về chăn nuôi lợn phải kê khai với chính quyền địa phương cơ sở trước khi thực hiện chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo quy định của Luật Chăn nuôi. Thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine và tổ chức việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của ngành thú y.
NGUYỄN MINH ĐỨC (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh)