Trưa nay (13/1), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá mua vào vàng miếng 74 triệu đồng một lượng, tăng 500.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá bán ra điều chỉnh mạnh hơn khi tăng tới 1 triệu đồng mỗi lượng, lên 77 triệu đồng. Do đó, chênh lệch giá mua và bán lại được nới rộng lên 3 triệu đồng một lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá vàng miếng lên 73,95 – 76,95 triệu đồng.
Như vậy, mỗi lượng vàng miếng đã tăng 2,5 triệu đồng trong ba ngày gần đây. So với mức đỉnh thiết lập trong ngày 26/12/2023, mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra cho người dân hiện thấp hơn 3 triệu đồng còn chiều mua vào rẻ hơn tới 5 triệu.
Vàng nhẫn và nữ trang sáng nay cũng tăng thêm 200.00-300.000 đồng một lượng so với hôm qua. SJC mua vào mỗi lượng vàng nhẫn trơn 62,4 triệu đồng, bán ra 63,5 triệu còn vàng nữ trang 99,99% thấp hơn vàng nhẫn 100.000-300.000 đồng một lượng.
Giá vàng miếng trong nước tăng nhanh trong ba ngày gần đây khiến chênh lệch với thế giới kéo dãn từ mức 14-15 triệu lên 16 triệu đồng một lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay có lúc vượt 2.060 USD một ounce, trước khi chốt phiên cuối tuần ở mức 2.048 USD. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, vàng nhẫn cao hơn thế giới 2,6-3 triệu đồng.
Nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào đà tăng giá của kim loại quý trên thị trường quốc tế, dựa trên kịch bản cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, thị trường vàng miếng trong nước lại đang đối mặt với “cơn gió ngược” khi Ngân hàng Nhà nước phát thông điệp can thiệp thị trường vàng để hạ chênh lệch với thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá trong nước và quốc tế ở mức cao.
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng này sẽ trình Thủ tướng báo cáo tổng kết, đánh giá về công tác quản lý thị trường vàng và định hướng thay đổi chính sách, cũng như cân nhắc việc có nên độc quyền vàng miếng SJC hay không.
Theo VnE