Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Để hiện thực hoá mục tiêu này, thời gian qua, Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2023, khu công nghiệp Cộng Hoà (Chí Linh) thu hút được 6 dự án, trong đó có 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 170 triệu USD đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây cũng là năm khu công nghiệp này thu hút được số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất từ trước đến nay. Đến nay, khu công nghiệp Cộng Hoà đã thu hút được 11 dự án FDI, nâng tỷ lệ lấp đầy từ 70% lên 90%.
Ông Lu Ren Zheng, Tổng giám sát dự án BoViet (nhà đầu tư thứ cấp) đánh giá trong quá tình tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hải Dương đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ rất tận tình của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và chủ đầu tư hạ tầng. Các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư được thực hiện đồng bộ trên không gian mạng. Các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp cũng được các cơ quan chức giải đáp cụ thể, nhanh chóng. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng được rút ngắn từ 5-7 ngày so với trước. Đây là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp cận và triển khai dự án nhanh chóng, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Nhà đầu tư BoViet đã thuê 20 ha đất tại khu công nghiệp Cộng Hoà để xây dựng nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời. Dự kiến mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất 3 GW tấm tế bào quang điện và tấm modul chuyển hóa năng lượng mặt trời. Tổng vốn đầu tư dự án 2.820 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD). Nhà đầu tư dự kiến đưa nhà máy vào hoạt động trong thời gian 18 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động người Việt Nam.
Là một trong 4 nhà đầu tư đầu tiên rót vốn vào khu công nghiệp An Phát 1, nhà đầu tư CeLink Limited (Trung Quốc) cho biết việc lãnh đạo tỉnh Hải Dương thường xuyên đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp để chủ động tháo gỡ khó khăn cho trong hoạt động đầu tư đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Hải Dương cam kết sẽ rút ngắn 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chí phí và thời gian. Ce Link tin rằng với môi trường đầu tư luôn có sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển vượt bậc và bền vững tại Hải Dương.
Năm 2023, môi trường đầu tư của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhất là việc cải cách hành chính ngày càng được cải thiện rõ rệt. Rất nhiều thủ tục hành chính đã được tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
Hiện nay, 121/121 bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đã được triển khai ở mức độ 3, 4; đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ bản giấy sang cấp trực tuyến, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hiện đã thực hiện rút ngắn từ 1/3 – 1/2 thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định. Sở Công thương cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng tư vấn, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư cụm công nghiệp.
Tạo mặt bằng sạch
Năm 2023, Hải Dương có 5 khu công nghiệp ở các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kim Thành đang triển khai giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 938 ha. Các khu công nghiệp này có 649 ha đất công nghiệp cho thuê, diện tích còn lại phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thời gian qua, chính quyền địa phương và chủ đầu tư hạ tầng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến nay 5 khu công nghiệp trên đã giải phóng mặt bằng được 588 ha, chiếm 62% tổng diện tích. Trong đó 410 ha đã được tỉnh bàn giao đất cho chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 để thu hút đầu tư.
Riêng khu công nghiệp An Phát 1 với diện tích 180 ha đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Thời gian qua, chính quyền địa phương và chủ đầu tư hạ tầng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Cuối tháng 12, khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng cũng đã được khởi công. Quy mô khu công nghiệp này là 235,6 ha với tổng vốn đầu tư gần 2000 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Trung Quý – Bắc Ninh là chủ đầu tư hạ tầng. Đây là một trong 5 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của tỉnh trong năm 2023. Theo báo cáo của huyện Bình Giang, đến nay khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng đã giải phóng mặt bằng được trên 157 ha, chiếm 66% tổng diện tích. Trong đó, hơn 93 ha đã được bàn giao đất cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 1. Tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu công nghiệp này là 43,3 ha để thu hút đầu tư.
Ngoài khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, chủ đầu tư còn tổ chức khánh thành cầu Phúc Điền. Câu cầu vượt sông Sặt này đóng vai trò kết nối đường tỉnh 394B với quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa từ khu công nghiệp này đến các sân bay, cảng biển… Cầu Phúc Điền cũng là công trình giao thông huyết mạch, tạo lợi thế trong thu hút đầu của khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng trong thời gian tới.
Xác định hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, khu công nghiệp An Phát 1 đã đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Hiện nay, khu công nghiệp này đã hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng của giai đoạn 1 (100 ha) và đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 với diện tích 80 ha. Trong đó, hệ thống cung cấp điện, nước, xử lý nước thải… đã cơ bản hoàn thiện để phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát 1 cho biết, cùng với việc bồi thường giải phóng mặt bằng, công ty đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng… Đến nay khu công nghiệp An Phát 1 đã thu hút 10 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD, cơ bản lấp đầy diện tích đã hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, khu công nghiệp này sẽ tập trung thu hút các ngành liên quan đến sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, logistic… với hàm lượng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường. Khi hoàn thành 100% hệ thống hạ tầng kỹ thuật, An Phát 1 sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động và là “đầu kéo” chủ lực cho các doanh nghiệp vệ tinh trên địa bàn.
Ngoài các khu công nghiệp, Hải Dương hiện có 58 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích 2.942,61 ha. Trong đó có 32 cụm công nghiệp đã thu hút trên 400 dự án thứ cấp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Để tạo điều kiện cho giao thương và lưu thông hàng hoá đến các cảng biển, cửa khẩu, thời gian qua Hải Dương đã triển khai nhiều dự án giao thông lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Điển hình như các dự án: đường trục Đông – Tây tỉnh, nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường tỉnh 392, trục Bắc – Nam huyện Thanh Miện, đường dẫn cầu Đồng Việt (kết nối với Bắc Giang), cầu Quang Thanh (kết nối Hải Phòng), cầu Kênh Vàng (kết nối tỉnh Bắc Ninh), cầu Hải Hưng (kết nối tỉnh Hưng Yên); cầu An Đồng (kết nối với tỉnh Thái Bình)…
Nhờ những giải pháp đồng bộ tạo mặt bằng sạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Hải Dương được đánh giá là 1 trong 20 địa phương có chất lượng hạ tầng công nghiệp tốt nhất cả nước. Đây là lợi thế nổi trội để Hải Dương lọt vào danh sách những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2023, lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn công tác để xúc tiến đầu tư. Điển hình như tháng 9/2023, Hải Dương phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Houston (Hoa Kỳ) chủ trì đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương với chủ đề “Kết nối – Hợp tác – Đồng hành”. Sự kiện thu hút hơn 120 khách tham dự, trong đó có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài Hoa Kỳ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương còn tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Bỉ, Anh, Pháp…
Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước đã trao đổi, thảo luận và đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về cơ hội hợp tác và đầu tư. Các nhà đầu tư cũng đặc biệt quan tâm về công tác cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi… khi đầu tư vào Hải Dương. Thông qua các chuyến đi này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư tại Hải Dương.
Sự linh hoạt và chủ động mời gọi đầu tư của chính quyền tỉnh và các chủ đầu tư hạ tầng đã mang lại hiệu quả nổi bật. Thông qua các chuyến đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, năm 2023 hàng loạt các tập đoàn lớn đã đến và đề xuất đầu tư các dự án tại Hải Dương. Trong đó phải kể đến một số dự án lớn của các Công ty TNHH: Tập đoàn Deli (6.500 tỷ đồng); Sản xuất công nghệ Biel Crystal (6.100 tỷ đồng); Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BoViet…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, Hải Dương ghi nhận kết quả ấn tượng thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn tỉnh tăng vượt bậc, đạt 1,136 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm trước. Đây là kết quả thu hút vốn FDI cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cũng là lần thứ hai trong 35 năm thu hút FDI của tỉnh vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Dự án FDI đầu tư vào tỉnh có quy mô khá, hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chí về thu hút đầu tư tại tỉnh. Trong đó, tính riêng vốn FDI thu hút vào các khu công nghiệp đạt 1,039 tỷ USD.
Bên cạnh thu hút FDI, tỉnh cũng đạt được kết quả tích cực trong thu hút vốn đầu tư trong nước. Tổng thu hút vốn DDI năm 2023 của tỉnh là 11.675 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với năm 2022. Vốn DDI của tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp.
Nội dung: ĐỖ QUYẾT – NGUYỄN LAN
Đồ họa: HÀ KIÊN
(Tác phẩm có sử dụng một số hình ảnh, clip do chủ đầu tư, cộng tác viên cung cấp)