Phấn khởi và trách nhiệm
Sau khi được các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 19 vào ngày 8/12, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND quy định chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, ở thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này mang đến niềm vui lớn dịp cuối năm với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và các thôn, khu dân cư trong tỉnh sau thời gian dài mong đợi.
Ông Trần Huy Toàn (sinh năm 1946) ở khu Nhân Hưng, thị trấn Nam Sách là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Nam Sách. Ông Toàn kiêm nhiệm cả chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của thị trấn. Trước đây, ông Toàn chỉ được nhận 75% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. Mỗi tháng ông Toàn được khoảng 1,9 triệu đồng. Giờ đây, theo nghị quyết của HĐND tỉnh Hải Dương, ông Toàn được nhận 100% phụ cấp chức danh kiêm nhiệm.
“Với 2 chức danh này, tôi sẽ được nhận khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn động lực để tôi tiếp tục cố gắng trong công tác hội. Những cán bộ không chuyên trách như chúng tôi rất phấn khởi khi biết tin về chính sách mới này của tỉnh vì đây là nội dung đã được cử tri kiến nghị nhiều và được HĐND tỉnh lắng nghe”, ông Toàn chia sẻ.
Suốt nhiều năm kiêm nhiệm 2 chức danh với bộn bề công việc, ông Toàn đồng hành với chiếc xe đạp điện, nhanh nhẹn đi khắp ngõ xóm làm công tác hội. Đến nay, phụ cấp tăng là động lực để ông Toàn tiếp tục năng nổ, trách nhiệm với công tác hội.
Dịp này, không chỉ cán bộ không chuyên trách cấp xã mà những người làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư cũng có niềm vui lớn khi được hưởng 100% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Ông Hoàng Văn Vang, Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) nhận thấy việc tăng phụ cấp là niềm vui nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn.
“Được tăng phụ cấp là một điều rất phấn khởi, nhất là với các thôn có trên 1.000 hộ như Phú Lộc. Tuy nhiên, tôi cần nỗ lực thực hiện tốt hơn các công việc của mình để xứng đáng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh. Với mức hỗ trợ này, có thể có nhiều người sẽ thích thú, mặn mà với công tác ở thôn, khu dân cư và có sự cạnh tranh khi bầu cử. Đây là một tín hiệu tốt để nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở”, ông Vang cho biết.
Những kiến nghị
Khi Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh có hiệu lực, mức phụ cấp của anh Đinh Văn Xuân, Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) được tăng từ hơn 3,3 triệu đồng lên hơn 7,5 triệu đồng. Nguyên nhân do trước đây tỉnh chỉ quy định 1 mức phụ cấp của Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, không phân biệt quy mô dân số khu dân cư. Theo Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu dân cư ở các khu dân cư từ 500 hộ dân trở lên và thôn có từ 350 hộ trở lên chuyển thành khu dân cư do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã cũng sẽ được hưởng mức phụ cấp bằng với các chức danh này ở các thôn có từ 350 hộ trở lên.
Anh Đinh Văn Xuân kiến nghị trong những năm tới tỉnh có thể nghiên cứu, xem xét tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, khu dân cư có quy mô trên 1.000 hộ dân trở lên. “Khu tôi có hơn 1.150 hộ dân, trong đó khoảng 80% vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khối lượng công việc ở đây nhiều hơn so với các khu dân cư nội thị và các thôn vì còn quản lý, điều hành các công việc liên quan đến cả đồng áng, quản lý trật tự đô thị, xây dựng”, anh Xuân cho biết thêm.
Là một trong số ít bí thư chi bộ, trưởng thôn ở huyện Ninh Giang có trình độ đại học, hiện anh Bùi Hoàng Lượng, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc còn phải làm thêm vài công việc khác để bảo đảm thu nhập chăm lo cho gia đình. Anh Lượng cho rằng tỉnh cũng cần xem xét quy định bổ sung hỗ trợ mức phụ cấp hằng tháng theo trình độ đào tạo đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu dân cư như thực hiện với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để thu hút người trẻ có trình độ về tham gia công tác tại cơ sở. Việc hỗ trợ, đào tạo đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu cũng cần được quan tâm hơn để khuyến khích đội ngũ này nâng cao trình độ. “Tôi đang học lớp trung cấp lý luận chính trị. Với tổng chi phí hàng chục triệu đồng phải tự bỏ ra là một khoản lớn so với mức phụ cấp hằng tháng của tôi”, anh Lượng chia sẻ.
Một số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư còn kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ đội ngũ này thêm một số cơ chế như đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian công tác; cho phép bố trí thêm phó trưởng thôn ở những thôn có đông dân…
Có thể thấy, Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII đã cụ thể hoá kịp thời các quy định của Trung ương và sự quan tâm của tỉnh đối với những cán bộ “chân tre”. Với những ý kiến, kiến nghị có cơ sở, về lâu dài, tỉnh cũng nên xem xét thấu đáo để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.
HOÀNG BIÊN – PHONG TUYẾT