Chiều 21/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương giám sát chuyên đề tại huyện Gia Lộc về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo UBND huyện Gia Lộc, công tác triển khai Nghị quyết số 43 còn nhiều hạn chế. Trong đó, thời gian giảm thuế 2% còn ngắn và gây khó khăn vì nhiều dự án lớn chuẩn bị đầu tư khi chính sách miễn giảm thuế có hiệu lực nhưng đến khi thi công thì chính sách không còn hiệu lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn huyện Gia Lộc chủ yếu kinh doanh quy mô vừa và nhỏ nên việc nắm bắt chính sách hạn chế, có lúc chưa chủ động. Một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp có mặt hàng thuộc diện giảm thuế suất còn 8% nhưng vẫn áp dụng mức 10% do không xác định được mặt hàng giảm thuế giá trị gia tăng hoặc có hàng nghìn mặt hàng nên dễ nhầm lẫn và khó xác định. Có doanh nghiệp xuất hóa đơn áp dụng mức thuế 10% rồi mới phát hiện được giảm còn 8%.
Do đó, năm 2022, huyện Gia Lộc có 275 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý thu thuế nhưng chỉ có 101 doanh nghiệp được kê khai giảm thuế giá trị gia tăng với số tiền 17 tỷ đồng (đạt khoảng 36,7%). Năm 2023, trong 346 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý thu thuế thì có 144 doanh nghiệp được giảm 3,5 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng đến ngày 19/12 (đạt khoảng 41,6%).
Trước những hạn chế này, UBND huyện Gia Lộc đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai, bổ sung nguồn vốn thực hiện nghị quyết. UBND cấp tỉnh và các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp thu phản ánh, kiến nghị của UBND huyện Gia Lộc. Theo kế hoạch, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục giám sát tại huyện Thanh Miện và một số địa phương, sở, ngành về nội dung này.
PHONG TUYẾT