1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời
Vào hồi 13 giờ 38 ngày 19/7, trái tim nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc đã ngừng đập trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Suốt cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, là tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt
Ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tín nhiệm bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với đồng chí Tô Lâm và bầu đồng chí Lương Cường làm Chủ tịch nước.
Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giữ vững ổn định và phát triển đất nước, tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.
Lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc do vi phạm trong thời gian giữ chức vụ Thủ tướng và đồng chí Vương Đình Huệ do vi phạm trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
3. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đầu tháng 12, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khẩn trương xây dựng phương án trình Trung ương trong quý I/2025.
Với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, các cơ quan tiến hành rà soát, sắp xếp hướng tới mục tiêu bộ máy mới “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
4. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp bản hùng ca của Tổ quốc
Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã diễn ra trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sự kiện khơi dậy khí thế hào hùng, tiếp thêm tinh thần yêu nước cho nhân dân Việt Nam, thắt chặt sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quân đội nhân dân Việt Nam sau 80 năm chiến đấu, trưởng thành, tiếp tục xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
5. Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 (siêu bão Yagi) và kinh tế thế giới nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, GDP dự báo tăng trưởng hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát kỷ lục 800 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.
Thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 40% so với năm 2023.
6. Siêu bão Yagi làm 345 người chết, mất tích
Siêu bão Yagi có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta đã gây hậu quả nặng nề, làm 323 người chết, 22 người mất tích, 1.978 người bị thương, thiệt hại vật chất hơn 81.700 tỷ đồng. Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bị lũ quét san phẳng.
Với sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết của đồng bào cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bão lũ được triển khai kịp thời, hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
7. Thông qua chủ trương đầu tư, tái khởi động hai dự án quan trọng
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 1.713.548 tỷ đồng và khởi động lại việc đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự án Đường sắt tốc độ cao dự kiến sử dụng hình thức đầu tư công, đáp ứng nhu cầu gia tăng và góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam một cách bền vững.
Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được kỳ vọng đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.
8. Hoàn thành thần tốc công trình 500kV mạch 3
Ngày 29/8, công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được khánh thành sau hơn 6 tháng triển khai, xác lập kỷ lục về thủ tục đầu tư và thời gian thi công ngắn nhất.
Công trình do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, ghi dấu ấn tinh thần dân tộc, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là bài học quý cho triển khai công trình trọng điểm quốc gia.
9. Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, nguồn lực đất đai được quản lý, sử dụng hiệu quả.
Năm 2024, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều dự thảo luật quan trọng nhằm tháo gỡ các “nút thắt” về thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
10. Khai trương mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Ngày 15/10, Viettel khai trương mạng 5G, đánh dấu sự có mặt chính thức của dịch vụ này tại Việt Nam. Là một trong những trụ cột của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng số, trong đó có mạng 5G, tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế – xã hội thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2024, Việt Nam đã triển khai thành công 49/76 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kích hoạt trên 57,9 triệu tài khoản VNeID và tạo lập 32,1 triệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân.
Nguồn: https://baohaiduong.vn/10-su-kien-noi-bat-cua-viet-nam-nam-2024-401412.html