Hai vụ sát hại nhân vật cấp cao của Hamas và Hezbollah trong vòng 12 giờ bộc lộ nhiều vấn đề lớn.
Ngày 31/7, thủ lĩnh chính trị của tổ chức Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh bị sát hại tại Tehran, khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masuod Pezeshkian. Nhiều nguồn tin nói ông bị sát hại bởi bom gài sẵn, được kích nổ từ xa và “tác giả” là quân đội Israel. Trước đó một ngày, ông Fuad Shukr, “cánh tay phải” của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cũng thiệt mạng trong vụ không kích của Israel vào ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon.
Những người cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Abd al-Wahhab trong lễ tang thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Doha, Qatar, ngày 2/8. (Nguồn: EFE-EPA) |
Dù chính phủ Israel chưa chính thức thừa nhận, nhưng họ từng nhiều lần cảnh báo sẽ săn lùng, hạ sát Ismail Haniyeh và các thủ lĩnh khác của Hamas ở bất cứ đâu, nên mọi cái nhìn đều hướng về Tel Aviv. Hai vụ sát hại thủ lĩnh Hamas, Hezbollah trong vòng 12 giờ gây chấn động Trung Đông và thế giới. Nó bộc lộ nhiều vấn đề lớn.
Thứ nhất, khoét sâu mối hận thù dai dẳng giữa Hamas, Hezbollah và một số tổ chức Hồi giáo vũ trang khác. Hamas, Hezbollah bị giáng một đòn chí mạng khi mất hai nhân vật quan trọng, nhưng không đồng nghĩa với sự tan rã, sụp đổ của họ. Vụ sát hại không làm Hamas, Hezbollah e ngại, mà ngược lại càng thúc đẩy họ đẩy mạnh tấn công trả đũa. Xung đột sẽ có bước leo thang mới.
Thứ hai, đặt các nhà lãnh Iran vào thế khó, không thể không hành động. Ông Ismail Haniyeh là “vị khách thân yêu” đến dự một sự kiện chính trị quan trọng nhất của Iran. Thời gian, địa điểm vụ sát hại khá nhạy cảm với Tehran. Nó cũng bộc lộ sơ hở, yếu kém của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong công tác tình báo, phòng không, an ninh, bảo vệ yếu nhân, trong một sự kiện quan trọng.
Sau bầu cử tổng thống, Tehran có nhiều việc phải giải quyết và đứng trước không ít khó khăn. Nhưng đòn “vỗ mặt” của Israel đẩy Iran vào thế không thể không trả đũa. Nếu không, các nhà lãnh đạo sẽ “mất uy tín” với người dân, suy giảm vị thế ngọn cờ dẫn dắt với đồng minh, đối tác khu vực. Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố “Nhiệm vụ của chúng tôi là trả thù cho vị khách thân yêu…”. Lệnh đã phát, cờ lệnh đã treo. Vấn đề là họ sẽ hành động theo kiểu nào?
Một là, tấn công trực tiếp, bằng hỏa lực đường không vào các mục tiêu quân sự của Israel và Mỹ, trong và ngoài lãnh thổ. Hai là, kết hợp tấn công bằng hỏa lực rộng khắp với xung lực vào một số mục tiêu lựa chọn. Ba là, chỉ đạo hoạt động phối hợp các đồng minh, đối tác tấn công theo hình thức “phi quy ước”. Bốn là, kết hợp giữa 1 và 3, hai phương án nhiều khả năng nhất. Ngoài ra Iran có thể kêu gọi phát động cuộc biểu tình, tấn công bằng bạo lực của người Hồi giáo trên thế giới. |
Dù xảy ra phương án nào, thì quy mô, cường độ cũng phải đủ lớn. Nếu ít hiệu quả như vụ tấn công hỏa lực đường không vào Israel cách đây gần 4 tháng (dù hàm ý không muốn đẩy căng thẳng lên cao), thì biểu tượng sức mạnh quân sự của Iran sẽ giảm sút, có thể khuyến khích Tel Aviv đẩy mạnh các đòn quân sự.
Thứ ba, nó chứng tỏ Israel không thực sự muốn ngừng bắn, đàm phán. Không ai sẵn sàng chấp thuận kế hoạch ngừng bắn của Mỹ mà lại đi sát hại thủ lĩnh đối phương. Hành động của Israel có thể khiến Hamas trả đũa bằng việc giết con tin. Hamas, Hezbollah… sẽ tấn công theo kiểu du kích, bất ngờ, dai dẳng vào Israel.
Một bộ phận người dân và phe phái đối lập sẽ phản đối chính phủ hiện hành của Israel. Dư luận thế giới sẽ lên án, đồng minh, đối tác của Tel Aviv cũng phải quan ngại. Tuy vậy, Israel vẫn hành động, vì họ tin vào sức mạnh quân sự của mình và sự “chống lưng” của Mỹ, đồng minh số 1. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố, Mỹ sẽ bảo vệ nếu Israel bị tấn công (đáp trả).
Hai vụ sát hại dập tắt hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc xung đột quy mô lớn hơn”.(Nguồn: Reuters) |
Thứ tư, hai vụ sát hại nói trên có thể “đóng băng” lâu dài các cuộc đàm phán ngừng bắn, đẩy khu vực vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Ông Haniyeh là người đứng đầu đoàn đàm phán của Hamas. Thủ tướng Qatar Sheikh bin Abdulrahman Al Thani cảnh báo việc sát hại thủ lĩnh Hamas có thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực đảm bảo việc ngừng bắn ở Dải Gaza.
Trung Quốc phản đối, lên án vụ sát hại và “vô cùng lo ngại về khả năng gia tăng bất ổn trong khu vực”. Liên bang Nga lên án và gọi đây là “vụ giết người mang động cơ chính trị hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Nếu thế giới, khu vực không kịp thời hành động, tạo ra “cái phanh” hữu hiệu, thì vụ sát hại, kéo theo đòn trả đũa của Iran, Hamas, Hezbollah… sẽ là ngòi nổ kích động một cuộc chiến khu vực. Trung Đông nguy cơ đứng bên bờ vực.
Thứ năm, ai có thể “phanh” xung đột? Cách đây gần 4 tháng, thế giới 2 tuần nín thở sau đòn đáp trả qua lại giữa Iran và Israel. May mắn cuộc chiến không bùng phát, vì sự kiềm chế của cả hai bên. Nhưng lần này họ có “vượt qua chính mình” hay không là câu hỏi khó. Người trong cuộc là nhân tố quyết định, nhưng rất cần tác động đủ lớn từ bên ngoài.
Chiều 31/7, Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp thảo luận về tình hình leo thang căng thẳng, nguy hiểm ở Trung Đông. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và các thành viên Hội đồng Bảo an khẳng định tính cấp thiết phải hạ nhiệt, triển khai các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột leo thang toàn khu vực.
Sự phản đối các hành động leo thang căng thẳng của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế khác và nhiều nước, tạo áp lực lớn lên các bên. Nhưng như vậy chưa đủ, cần nỗ lực các hành động mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực hơn. Dư luận có lý khi cho rằng Mỹ, bên cung cấp vũ khí chủ yếu, hỗ trợ hệ thống cảnh báo, phòng thủ tên lửa và sẵn sàng bảo vệ Israel về chính trị, ngoại giao… là nhân tố có ảnh hưởng, tác động lớn nhất đến quyết tâm của Israel. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có ý nghĩa răn đe Iran và đồng minh, đối tác, nhưng cũng tạo cho họ cảm giác ức chế vì sự thiên vị, khiến họ không tin tưởng kế hoạch ngừng bắn của Mỹ, quyết tâm chiến đấu đến cùng.
***
Những phân tích trên cho thấy vụ sát hại thủ lĩnh Hamas là “vụ ám sát chính trị”, cố tình đổ thêm dầu vào lửa, đẩy Trung Đông đến bờ vực. Tình thế rất căng thẳng. Iran, Hamas, Hezbollah… muốn trả đũa tương xứng cũng cần thời gian chuẩn bị mọi mặt. Thế giới, khu vực sẽ phải nín thở trong một, vài tuần để biết kịch bản nào xảy ra.
Không nên chờ đợi mà lập tức phải hành động một cách mạnh mẽ, thống nhất, hiệu quả. Muốn tháo ngòi nổ, trước hết các bên phải hết sức kiềm chế; tìm cách ngừng bắn lâm thời, nỗ lực từ nhiều hướng ngăn chặn xung đột, tạo cơ sở cho giải pháp cơ bản, lâu dài.
Cần tránh viện trợ thêm vũ khí và hành động nghiêng lệch về một phía, nhất là bên có ưu thế quân sự. Quốc tế công nhận Nhà nước Palestine độc lập, cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Do Thái là động thái hết sức có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy ngừng bắn, đối thoại.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hai-vu-sat-hai-trong-nua-ngay-va-nguy-co-day-trung-dong-den-bo-vuc-281230.html