Các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Cùng dự có các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; các thành viên trong Ban Chỉ đạo...
Theo dự thảo được trình bày tại hội nghị, Đề án xây dựng theo mẫu tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, về tính cần thiết, hai đơn vị hành chính cấp tỉnh có cùng nguồn gốc lịch sử hình thành, có nét văn hóa, phong tục tập quán, quy mô nền kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội có sự tương đồng; sau sắp xếp sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mới đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phương án sắp xếp, thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập địa giới đơn vị hành chính 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Sau sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 4.718,6 km2, đạt tỷ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 3.619.433 người, đạt tỷ lệ 258,5% so với tiêu chuẩn; có 99 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh mới là tỉnh Bắc Ninh. Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn thảo luận tại hội nghị. |
Nguyên tắc sắp xếp, đối với các sở, cơ quan tương đương sở sẽ hợp nhất các sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đối với một số cơ quan, đơn vị của tỉnh Bắc Giang hoặc tỉnh Bắc Ninh hiện có nhưng tỉnh còn lại không có (như Sở Dân tộc và Tôn giáo, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh) thì giữ nguyên mô hình tổ chức và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công khi hợp nhất hai tỉnh.
Đối với cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các sở, cơ quan: Hợp nhất các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các chi cục có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chuyển chức năng thanh tra các sở về Thanh tra tỉnh và tổ chức lại Thanh tra tỉnh (theo đề án của Trung ương về sắp xếp cơ quan thanh tra).
Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, cơ quan để tổ chức hoạt động theo địa bàn. Sau khi hợp nhất hai tỉnh, sẽ khảo sát, đánh giá và xem xét tổ chức lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm việc tiếp tục cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế: Chuyển các trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc Sở Y tế quản lý (trừ các trạm y tế cấp xã chuyển về cấp xã) theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Dự thảo cũng xác định phương án sắp xếp các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, đối với Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương (có đề án chi tiết riêng).
Hợp nhất Đoàn Đại biểu Quốc hội của 2 tỉnh; kiện toàn Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ.
Đối với HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh: Đại biểu HĐND 2 tỉnh hợp nhất thành đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ...
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh đóng góp ý kiến thảo luận. |
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo dự thảo Đề án, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể về bố cục Đề án; về tổ chức, bộ máy, nhất là những cơ quan trực thuộc tỉnh mà trước đây chỉ có 1 tỉnh có như: Sở Dân tộc và Tôn giáo; Trung tâm phục vụ Hành chính công...
Các đại biểu cũng thảo luận về việc sắp xếp Trung tâm phát triển quỹ đất, các ban quản lý dự án và các trường cao đẳng, trung cấp; trường trung học phổ thông chuyên; các cơ sở y tế của 2 tỉnh. Ngoài ra, phát biểu, đóng góp các ý kiến liên quan đến việc bố trí cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị sau khi tiến hành sáp nhập…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh cảm ơn Đảng ủy UBND tỉnh Bắc Giang trong thời gian ngắn đã xây dựng được dự thảo Đề án chi tiết, kỹ lưỡng, cơ bản được thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cao.
Đồng chí đề nghị, về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cần tiếp tục có sự rà soát, thống nhất lại. Đối với báo và đài phát thanh và truyền hình của 2 tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo thống nhất để Ban Thường vụ 2 tỉnh báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương cho xây dựng đề án và thực hiện sáp nhập 4 cơ quan thành 1 cơ quan tại thời điểm 2 tỉnh sáp nhập với nhau, thay vì làm 2 bước, để bảo đảm thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn phát biểu. |
Giữ 4 ban quản lý dự án cấp tỉnh như hiện nay, đặt tên theo số; chuyển các ban quản lý dự án cấp huyện thành ban quản lý dự án khu vực để tiếp tục các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang triển khai...
Đồng chí cũng đề xuất những việc cần làm ngay từ nay đến phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, đó là xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo với chương trình cụ thể. 5 tổ công tác đã được thành lập phải lập kế hoạch của từng tổ và từ phiên họp thứ hai phải báo cáo kết quả, tổng hợp các vấn đề cần xin ý kiến của Ban Chỉ đạo. Rà soát trước một bước về nhân sự cấp trưởng các cơ quan cấp tỉnh và các đồng chí Tỉnh ủy viên để hình dung ra trước phương án sắp xếp, bố trí, tránh bị động…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Gấu ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Biểu dương Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan của 2 tỉnh đã tích cực phối hợp tham mưu xây dựng hoàn thành dự thảo Đề án.
Đồng chí cho biết, sau 28 năm chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cả 2 tỉnh đã có bước phát triển rất tích cực, đạt nhiều kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong suốt 28 năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh luôn gìn giữ, vun đắp truyền thống đoàn kết, nghĩa tình gắn bó. Triển khai nhiều hoạt động hợp tác, liên kết thiết thực. Đến nay, thực hiện các chủ trương của Trung ương, 2 tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị tiến tới hợp nhất thành 1 tỉnh, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu kết luận hội nghị. |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí đối với phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo báo cáo của Đảng ủy UBND tỉnh Bắc Giang. Yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu để hoàn thiện phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh theo dự thảo Đề án.
Để bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Ban Chỉ đạo giao cho Thường trực Ban Chỉ đạo thường xuyên trao đổi, thống nhất khi có các vấn dề phát sinh; tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh dự thảo Đề án để báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, HĐND 2 tỉnh trước khi hoàn thiện gửi Trung ương theo quy định.
Thống nhất và đề nghị mỗi đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh tập trung cao chỉ đạo giải quyết các vấn đề chung, tạo thuận lợi cho quá trình hợp nhất tỉnh như: Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thanh toán công nợ; hoàn thành các dự án trọng điểm của mỗi tỉnh đã triển khai theo lộ trình; tăng cường số hóa, quản lý chặt chẽ hồ sơ, tài liệu về nhân sự, đất đai, tài sản công…
Nguồn: https://baobacgiang.vn/hai-tinh-bac-giang-bac-ninh-thao-luan-de-an-sap-xep-co-quan-don-vi-hanh-chinh-postid416386.bbg
Bình luận (0)