Hội đồng gồm 3 thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Đặc khu Columbia (Mỹ) đã nghe 2 tiếng tranh luận liên quan vụ kiện do TikTok và ByteDance đệ trình hồi tháng 5 nhằm ngăn luật cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ có hiệu lực.
Luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ Daniel Tenny nhấn mạnh lập trường của chính phủ Mỹ rằng TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc, gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia vì có thể tiếp cận lượng lớn dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Ông Tenny khẳng định rằng Trung Quốc có thể bí mật thao túng thông tin mà người Mỹ sử dụng thông qua ứng dụng TikTok.
Trong khi đó, luật sư của TikTok và ByteDance Andrew Pincus cho rằng chính phủ Mỹ đã không chứng minh được TikTok thực sự gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Ông nêu thêm luật cấm TikTok đi ngược với Tu chính án thứ nhất của Mỹ về quyền tự do ngôn luận.
Hồi tháng 4, quốc hội Mỹ đã thông qua luật và đã được Tổng thống Joe Biden ký, cho ByteDance thời hạn đến ngày 19.1.2025 để bán hoặc thoái vốn tài sản TikTok tại Mỹ, nếu không ứng dụng sẽ bị cấm. Hiện TikTok có hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ.
“Điều luật này là chưa từng có và tác động của nó sẽ rất kinh ngạc. Lần đầu tiên trong lịch sử, quốc hội Mỹ… cấm cơ hội lên tiếng của 170 triệu người Mỹ”, ông Pincus nói.
Vụ kiện đề cập nếu luật này được thực thi, nó cho thấy quốc hội có thể lách Tu chính án thứ nhất bằng cách viện dẫn an ninh quốc gia và ra lệnh cho bất kỳ nhà xuất bản của các tờ báo hoặc website phải bán lại nếu không muốn bị đóng cửa.
Luật sư Daniel Tenny bảo vệ điều luật, nói rằng: “Thật nực cười khi cho rằng với 2 tỉ dòng mã lệnh – lớn gấp 40 lần toàn bộ hệ điều hành Windows, thay đổi 1.000 lần mỗi ngày – bằng cách nào đó chúng tôi sẽ phát hiện họ đã thay đổi nó. Có nhiều điều đang diễn ra ở Trung Quốc nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ đến mức gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia”.
Thẩm phán Neomi Rao cho biết nhiều lập luận của TikTok dường như muốn tòa án coi quốc hội Mỹ là một cơ quan hành pháp, thay vì là cơ quan lập pháp “thực sự đã thông qua luật”. Trong khi đó, thẩm phán Douglas Ginsburg đặt vấn đề với phía ByteDance rằng luật cấm TikTok có khác gì luật hiện hành của Mỹ cấm nước ngoài sở hữu giấy phép phát sóng.
Thẩm phán Sri Srinivasan đặt tình huống giả định với luật sư Pincus rằng trường hợp Mỹ xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc thì quốc hội khi đó có thể cấm nước ngoài sở hữu các cơ quan truyền thông lớn hoạt động tại Mỹ hay không. Ông Pincus nói điều đó có thể nhưng quốc hội không viện dẫn lý do đó vào luật vừa được thông qua.
Nếu ByteDance không bán lại TikTok, ứng dụng mạng xã hội này sẽ bị cấm xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng của Apple và Google. Tổng thống Biden có thể gia hạn thêm 3 tháng sau hạn chót nếu chứng nhận ByteDance đang có tiến triển trong việc bán TikTok.
TikTok và Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa ra phán quyết trước ngày 6.12, điều này cho phép Tòa án Tối cao Mỹ thời gian xem xét những kháng cáo nếu có, trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hai-tieng-cang-nhu-day-dan-cua-tiktok-tai-toa-an-my-185240917073926123.htm