Chiều 4/1, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM báo cáo, dự án Vành đai 3 đang giữ đúng tiến độ cam kết với Chính phủ và Quốc hội.
Cụ thể, dự án có 10 gói thầu xây lắp, đã triển khai 4 gói phục vụ khởi công giai đoạn 1 vào tháng 6/2023, 6 gói còn lại đang hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu để triển khai.
Theo ông Phúc, việc triển khai dự án với tiến độ nhanh và thuận lợi là nhờ lồng ghép Nghị quyết 98 của Quốc hội trong thực hiện. Đó là tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Đây cũng là lần đầu tiên thí điểm chủ trương này cho một dự án giao thông.
Ông Lương Minh Phúc nhận định, với tiến độ trên, trong năm 2024 có thể sẽ đồng loạt triển khai các gói thầu xây lắp trên toàn tuyến. Báo cáo của các địa phương như thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã thu hồi được khoảng 97% diện tích.
Dự án đi qua nhiều địa bàn, số trường hợp bị ảnh hưởng lớn (1.679 trường hợp) nên công tác chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc tốn nhiều thời gian. Tình trạng nguồn gốc đất phức tạp, chi phối bởi nhiều quy định, qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý. Một số người dân có tâm lý đợi để hưởng lợi tốt hơn từ luật Đất đai mới sắp ban hành.
“Dù số hộ chưa đồng thuận là ít (còn khoảng 3%), nhưng đây là những hộ có vướng mắc về pháp lý, cần phải vận dụng nhiều chính sách đặc thù để tháo gỡ. Đây chính là thách thức lớn mà dự án đang gặp phải”, ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, một thách thức khác mà dự án đối mặt là nguồn cát san lấp. Toàn bộ dự án Vành đai 3 cần khoảng 7,2 triệu m3. Trong năm 2024, dự án cần 5,5 triệu m3 cát san lấp, phải đảm bảo nguồn cát để tiến độ dự án không bị ảnh hưởng.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đại diện Sở TN-MT cho biết, thành phố đã nghiên cứu, vận dụng tốt nhất các chính sách để người dân không thiệt thòi.
“Khi đã làm đúng các quy định pháp luật, cũng như vận dụng hết chính sách tốt nhất mà người dân vẫn chưa đồng thuận giao đất thì sẽ kiến nghị UBND TP có biện pháp hành chính. Nếu không, Dự án sẽ chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra”, đại diện sở TN-MT cho biết.
Người dân phải được hưởng lợi tốt nhất
Nêu ý kiến tại buổi giám sát, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng.
Các đại biểu cho rằng, phải vận dụng các chính sách tốt nhất để áp giá đền bù có lợi nhất cho người dân. Bên cạnh đó, khi tái định cư thì cuộc sống phải tốt hơn hoặc bằng nơi cũ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Chủ tịch HĐND TP.HCM), vẫn có sự chưa đồng bộ trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Trong đó, các đơn vị quá tập trung vào tuyên truyền, áp giá đền bù, đo vẽ…mà quên đi việc thực hiện công tác nền đất và căn hộ tái định cư. Vì thế, khi người dân giao đất, nhiều nơi vẫn chưa kịp giao nền đất và các căn hộ tái định cư cho người dân. Do đó, một số hộ dân phải vào các khu tạm cư để ở.
Qua đó, bà Lệ kiến nghị phải rút kinh nghiệm để thực hiện các dự án sau đồng bộ hơn.
Kết luận tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công và địa phương có dự án đi qua.
Theo bà Tuyết, Dự án Vành đai 3 là dự án lớn, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân, nhưng việc thực hiện giải phóng mặt bằng chưa đầy một năm đã đạt 97% là kết quả tốt, cho thấy sự đồng thuận cao của dân.
Tuy nhiên, với những hộ dân chưa đồng thuận giao mặt bằng thì chủ đầu tư, các sở, ngành cần phối hợp tốt với địa phương để tháo gỡ khó khăn.
Bà Tuyết cam kết, đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ kiến nghị với UBND TP tập trung chỉ đạo các địa phương, có sự phối hợp tham mưu từ các sở, ngành…để nỗ lực hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Bà cũng đề nghị, sau công tác tái định cư, chủ đầu tư và các sở, ngành, địa phương cũng phải có sự thăm hỏi thường xuyên các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Bà Tuyết nhấn mạnh, các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ thì đoàn ĐBQH TP.HCM cũng sẽ tập trung kiến nghị để có phương án tháo gỡ, sớm đưa dự án thi công đồng loạt vào năm 2024 như mục tiêu đề ra.