Các nhà phân tích nói rằng đó là một thành tích lớn mà chỉ Hải quân Mỹ mới đạt được trong thời gian gần đây.
“Đây không phải là một thành tích nhỏ và nhấn mạnh rằng Hải quân Ấn Độ là một trong số rất ít lực lượng trên thế giới vận hành nhiều hơn một tàu sân bay”, Nick Childs, thành viên cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IIISS) cho biết.
Hai tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant dẫn đầu cuộc tập trận với hơn 35 máy bay cùng một loạt tàu nổi và tàu ngầm, theo thông cáo báo chí của Hải quân Ấn Độ.
Ấn Độ đã có khả năng vận hành hai tàu sân bay khi Vikrant, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ trị giá 3 tỷ USD, được đưa vào hoạt động vào tháng 9 năm ngoái, cùng với Vikramaditya, được mua từ Nga và đi vào hoạt động vào năm 2013.
Các nhà phân tích cho biết, trong khi cả Trung Quốc và Anh đều có nhiều hơn một tàu sân bay trong hạm đội hiện đại của họ, thì cả hai vẫn chưa thực hiện các hoạt động song hành với các tàu sân bay.
Trung Quốc có hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động, chiếc Liêu Ninh do Liên Xô chế tạo và chiếc Sơn Đông chế tạo trong nước, trong khi chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba – chiếc Phúc Kiến, đã được hạ thủy nhưng chưa được đưa vào hoạt động.
Nhà phân tích Carl Schuster tại Hawaii, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, cho biết các hoạt động của tàu sân bay kép của Ấn Độ trong tuần này cho thấy “sự trẻ hóa của Hải quân Ấn Độ”.
Ấn Độ đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên vào năm 1961 và thêm chiếc thứ hai vào năm 1987. Nước này đã vận hành hai tàu sân bay trong hai lần trước đó, từ năm 1987 đến 1997 và từ năm 2013 đến 2017.
Thông cáo báo chí của Hải quân Ấn Độ gọi các tàu sân bay là “sân bay nổi có chủ quyền”, đồng thời nói thêm rằng “chúng mang đến cho bạn bè của chúng tôi sự đảm bảo rằng Hải quân Ấn Độ có khả năng và sẵn sàng hỗ trợ các nhu cầu an ninh ‘tập thể’ của chúng ta trong khu vực”.
Các lực lượng của New Delhi đã và đang đẩy mạnh hợp tác với hải quân các nước khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả những nước trong quan hệ đối tác không chính thức Quad – Mỹ, Nhật Bản và Úc – trong cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm.
Mai Anh (theo CNN)