Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn TP. Hải Phòng chú trọng thực hiện bán hàng trực tuyến, trên sàn thương mại điện tử để thúc đẩy hoạt động thương mại.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Hải Phòng chú trọng thực hiện bán hàng trực tuyến, trên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển, tuy nhiên còn gặp không ít rào cản cần tháo gỡ.
Công ty CP Sơn Hải Phòng trưng bày sản phẩm tại hội nghị xúc tiến thương mại điện tử. Ảnh: Thu Anh |
Tại Hải Phòng, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử những năm qua chiếm khoảng 16-18% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn thành phố, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23 – 25%/năm; hằng năm có 55-60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế…
Ông Nguyễn Đình Hòa – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Sơn Hải Phòng cho biết: Công ty là nhà cung cấp sơn và chất bảo vệ bề mặt hàng đầu Việt Nam, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tuy nhiên các sản phẩm công nghiệp hóa chất phát triển trên các nền tảng thương mại điện tử còn nhiều rào cản. Do đó, công ty cung cấp phát triển thị trường trong nước và có hệ thống phân phối riêng toàn cầu.
“Tôi cũng mong các cơ quan chức năng sẽ tìm được những giải pháp nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử của ngành sơn nói chung và của sơn Hải Phòng nói riêng”, ông Hòa nói.
Là Hợp tác xã nổi tiếng với các sản phẩm nông sản rau củ, trồng cúc dược liệu cung cấp ra thị trường và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, chị Cao Thị Hằng – Giám đốc Hợp tác xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng bày tỏ: Trong những năm qua, hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty xuất khẩu nông sản, thực phẩm (trung gian) đưa nhiều loại nông sản, như: Bí, bắp cải, ớt, khoai tây… của bà con nông dân xã Thắng Thủy vươn ra thị trường quốc tế.
Theo bà Hằng, hợp tác xã mới chỉ tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, khách hàng phần lớn trong nước. Do hạn chế hiểu biết về các quy định liên quan thị trường nước ngoài; kiến thức trong thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là hạn chế về công nghệ, ngoại ngữ, vì vậy hợp tác xã gặp nhiều khó khăn phát triển thị trường quốc tế.
Sở Công Thương Hải Phòng kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị Diễn đàn CEO – Cất cánh toàn cầu cùng Amazon”. Ảnh: Thu Anh |
Mới đây, Sở Công Thương Hải Phòng phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức hội nghị “Diễn đàn CEO – Cất cánh toàn cầu cùng Amazon”, qua đó nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối qua các nền tảng số, thực hiện xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giao thương và xuất khẩu trên toàn địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng – Nguyễn Văn Thành khẳng định: Việc áp dụng công nghệ số và tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, TP. Hải Phòng chú trọng kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh ngiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất. Đồng thời, thành phố ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; triển khai giải pháp phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho doanh nghiệp Hải Phòng. Nhờ các hội nghị kết nối đưa hàng trăm các sản phẩm nông nghiệp địa phương và nhiều sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm: Để tiếp tục phát triển thương mại điện tử, đơn vị sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp; giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm các đối tác, khách hàng quốc tế. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử. Sở cũng duy trì quản lý, vận hành, cập nhật các địa điểm mua sắm trên “Bản đồ mua sắm số TP. Hải Phòng”.
Đặc biệt, những tháng cuối năm, Sở tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025.
Nguồn: https://congthuong.vn/hai-phong-thuong-mai-dien-tu-mo-ra-nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-356384.html